1. Hợp đồng tương lai lãi suất dài hạn (Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ)
Với tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ, hợp đồng tương lai lãi suất dài hạn còn được biết đến với tên gọi là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Sản phẩm này được coi là công cụ chính trong quản lý rủi ro lãi suất. Các hợp đồng tương lai lãi suất dài hạn thường được kết hợp với các hợp đồng tương lai tiền tệ để phòng ngừa rủi ro lãi suất ở thị trường nước ngoài cho các công ty đa quốc gia. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được niêm yết trên sở giao dịch với các điều khoản chuẩn hóa. Các yếu tố chuẩn hóa đó về cơ bản được nêu chi tiết trong bản mô tả đặc tính của hợp đồng.
Ví dụ: Một số hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ trên thế giới
Tên công cụ |
Sàn giao dịch |
Hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc Mỹ 5 năm |
SGD Hàng hóa Chicago – CME(Mỹ) |
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Đức |
SGD CKPS Eurex( Đức) |
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Nhật Bản 3 năm |
SGD CKPS Osaka- OSE (Nhật Bản) |
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Hàn Quốc 3 năm |
SGDCK Hàn Quốc - KRX |
Hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc Australia 10 năm |
SGDCK Australia - ASX |
- Tài sản cơ sở: tài sản cơ sở của hợp đồng là trái phiếu chính phủ, do chính phủ phát hành với thời gian đáo hạn từ một năm trở lên. Người sở hữu trái phiếu chính phủ thường được nhận lãi suất định kỳ (còn gọi là lãi suất coupon, lãi suất cuống phiếu) mỗi năm một lần hoặc mỗi năm hai lần và được hoàn lại số tiền bằng mệnh giá khi đáo hạn trái phiếu.
- Quy mô hợp đồng: được quy định tùy theo từng sở giao dịch và loại trái phiếu cơ sở nhưng thường là một giá trị bằng tiền tương ứng với mệnh giá của trái phiếu cơ sở.
- Cách yết giá: Tùy theo thông lệ của từng sở giao dịch mà có 2 dạng yết giá: theo phần trăm của mệnh giá hoặc theo mức lãi suất yêu cầu.
- Bước giá: thường được xác định căn cứ vào quy ước yết giá vủa trái phiếu cơ sở.
2. Một số ứng dụng của hợp đồng tương lai lãi suất chính phủ
- Giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư trái phiếu đang nắm giữ khi giá trái phiếu có xu hướng giảm xuống.
- Có thể sử dụng để phòng ngừa rủi ro cho khoản đầu tư dự định trong tương lai khi giá trái phiếu có xu hướng tăng lên.
- Là phương tiện điều chỉnh độ biến động giá của danh mục trái phiếu khi lãi suât thay đổi thông qua việc điều chỉnh thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu.
- Đem lại lợi nhuận từ những sai lệch giữa mức giá hợp lý của hợp đồng tương lai và giá giao dịch trên thị trường.
Nguồn: SRTC