Giá trị nội tại của quyền chọn, cùng với giá trị thời gian, là bộ phận cấu thành giá (hay là phí) quyền chọn. Giá trị nội tại phản ánh lợi ích hay giá trị mà nhà đầu tư có thể nhận được từ việc nắm giữ vị thế mua quyền chọn. Đây cũng là yếu tố quyết định trạng thái của quyền chọn.
Tại một thời điểm bất kỳ, một quyền chọn (quyền chọn mua hay quyền chọn bán) có thể tồn tại ở một trong ba trạng thái: trạng thái lãi (in-the-money), trạng thái lỗ (out-of-the-money) hay trạng thái hòa vốn (at-the-money). Ta có thể mô tả các trạng thái cụ thể của quyền chọn mua và quyền chọn bán qua bảng tóm tắt sau:
Trạng thái quyền chọn |
Quyền chọn mua |
Quyền chọn bán |
Trạng thái lãi |
Giá hiện hành của tài sản cơ sở > Giá thực hiện quyền chọn |
Giá hiện hành của tài sản cơ sở < Giá thực hiện quyền chọn |
Trạng thái lỗ |
Giá hiện hành của tài sản cơ sở < Giá thực hiện quyền chọn |
Giá hiện hành của tài sản cơ sở > Giá thực hiện quyền chọn |
Trạng thái hòa vốn |
Giá hiện hành của tài sản cơ sở = Giá thực hiện quyền chọn |
Giá hiện hành của tài sản cơ sở = Giá thực hiện quyền chọn |
Như vậy, quyền chọn ở trạng thái lãi khi nó có giá trị nội tại. Giá trị nội tại của quyền chọn được xác định khác nhau cho từng loại quyền chọn, cụ thể:
Với quyền chọn mua: Giá trị nội tại = Giá tài sản cơ sở - Giá thực hiện quyền chọn
Với quyền chọn bán: Giá trị nội tại = Giá thực hiện quyền chọn – Giá tài sản cơ sở
Nếu một quyền chọn không ở trạng thái lãi, tức là không có giá trị nội tại, tại thời điểm đáo hạn, quyền chọn đó được xem là vô giá trị.
Ví dụ: Xem xét quyền chọn mua cổ phiếu ABC, giá thực hiện 35.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu giá thị trường của cổ phiếu ABC là 30.000 đồng/cổ phiếu, ta nói quyền chọn này ở trạng thái lỗ (không có giá trị nội tại).
Nếu giá thị trường của cổ phiếu ABC là 35.000 đồng/cổ phiếu, ta nói quyền chọn này ở trạng thái hòa vốn.