Hợp đồng quyền chọn: Mở và đóng vị thế


Mở vị thế

Việc mở vị thế trên thị trường quyền chọn được thực hiện với một lệnh mua hay một lệnh bán (quyền chọn) của nhà đầu tư. Thuật ngữ dùng trong trường hợp này sẽ là “mua để mở vị thế” (chỉ hành động mua quyền chọn) và “bán để mở vị thế” (chỉ hành động bán quyền chọn). Một khi vị thế quyền chọn đã được mở, điều đó có nghĩa là đến một thời điểm nào đó, vị thế đó sẽ được đóng lại, chấm dứt các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến người nắm giữ vị thế.


Đóng vị thế

Về cơ bản, người giữ một vị thế quyền chọn có thể đóng (hay là thoát ra khỏi) vị thế bằng một trong ba cách sau đây, đó là:

  • Bù trừ vị thế
  • Đợi đến thời điểm đáo hạn quyền chọn để kết thúc vị thế
  • Để quyền chọn đáo hạn vô giá trị

Bù trừ vị thế, là biện pháp đóng vị thế được sử dụng phổ biến trên thị trường hợp đồng quyền chọn. Trong trường hợp này, vị thế quyền chọn được đóng bất cứ lúc nào mà không cần chờ đến thời điểm đáo hạn của hợp đồng quyền chọn đó. Nhà đầu tư chỉ cần thực hiện một giao dịch đảo ngược với giao dịch ban đầu để thoát ra ngoài. Chẳng hạn, nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế mua quyền chọn thực hiện giao dịch bù trừ bằng một lệnh bán chính quyền chọn đó (bán để đóng vị thế); ngược lại, giao dịch bù trừ của một vị thế bán quyền chọn được thực hiện bằng lệnh mua quyền chọn đó (mua để đóng vị thế).

Cần chú ý rằng, quyền chọn được sử dụng cho giao dịch đảo ngược (để bù trừ vị thế) phải là quyền chọn đối với cùng tài sản cơ sở, có cùng mức giá thực hiện và cùng thời điểm đáo hạn như quyền chọn ban đầu lúc mở vị thế. Đến thời điểm đáo hạn, nếu nhà đầu tư chưa đóng vị thế thì quyền chọn sẽ được thực hiện hoặc quyền chọn được để đáo hạn vô giá trị.

Thực hiện quyền chọn, hoàn toàn thuộc quyết định của bên mua (hay là người nắm giữ vị thế mua) quyền chọn. Thông thường, quyền chọn được thực hiện khi nó có giá trị nội tại vào thời điểm đáo hạn. Cụ thể:

  • Quyền chọn mua (đối với một tài sản cơ sở) được thực hiện khi tại thời điểm đáo hạn, giá thị trường của tài sản cơ sở cao hơn giá thực hiện theo hợp đồng.

Ví dụ: quyền chọn mua cổ phiếu A với giá thực hiện 50.000 đồng/cổ phiếu, đáo hạn tháng Chín. Nếu giá cổ phiếu A vào tháng 9 là 60.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư thực hiện quyền để được mua cổ phiếu với giá cố định 50.000 đồng, hưởng chênh lệch 10.000 đồng/cổ phiếu.

  • Quyền chọn bán (đối với một tài sản cơ sở) được thực hiện khi tại thời điểm đáo hạn, giá thị trường của tài sản cơ sở thấp hơn giá thực hiện theo hợp đồng.

Ví dụ: quyền chọn bán cổ phiếu A với giá thực hiện 50.000 đồng/cổ phiếu, đáo hạn tháng 6. Nếu giá cổ phiếu A vào tháng 6 là 40.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư thực hiện quyền để được bán cổ phiếu với giá cố định 50.000 đồng, thay vì chỉ bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường.

Quyền chọn đáo hạn vô giá trị, xảy ra trong trường hợp bên mua quyền chọn quyết định không thực hiện quyền (mua hoặc bán tài sản cơ sở) của mình vào thời điểm đáo hạn quyền chọn. Khi đó, không có giao dịch mua hay bán nào diễn ra đối với tài sản cơ sở của hợp đồng và nghĩa vụ sẽ không phát sinh đối với bên giữ vị thế bán.

Bài viết liên quan
Đầu tư giá trị
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040