Tìm hiểu về ESG: Khái niệm và quá trình hình thành khung khổ ESG (Phần 1)

ESG là cụm từ viết tắt của “môi trường” (E), “xã hội” (S) và “quản trị” (G) - ba chủ đề, hay là trụ cột chính trong khung khổ ESG. Đây được xem là cơ sở lượng hoá cam kết của một tổ chức đối với các vấn đề môi trường và xã hội thông qua một hệ đo lường cụ thể được sử dụng để đánh giá mức độ tín nhiệm xã hội (social credit) của tổ chức đó. Mặc dù là khái niệm mới được đề cập đến lần đầu tiên năm 2004 trong một báo cáo của Liên Hợp Quốc, ý tưởng tích hợp các yếu tố phi tài chính này vào các hoạt động của doanh nghiệp đã được khởi nguồn từ lâu và trải qua một quá trình tiến hoá để đi đến khái niệm ESG ngày nay.

Quay trở lại đầu những năm 1960 khi cuốn sách “Mùa xuân vắng lặng” được xuất bản, tập hợp các tài liệu dẫn chứng về tác động tiêu cực của việc sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật (cụ thể là DDT) đến môi  trường. Đây là điểm khởi đầu cho các phong trào môi trường với nỗ lực buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho những hoạt động gây tác hại đến môi trường và sức khoẻ con người.

Năm 1987, Ủy ban Brundtland của Liên Hợp Quốc – còn gọi là Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển (WCED) – lần đầu tiên đưa ra khái niệm phát triển bền vững. Đó là sự phát triển “đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Nói cách khác, sự thịnh vượng về kinh tế có thể, và cần phải, đạt được mà không phải trả giá bằng sự suy thoái môi trường.

Năm 1992, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) công bố bản Cam kết phát triển bền vững của các định chế tài chính, sau này trở thành trụ cột chính cho Sáng kiến tài chính của UNEP (UNEP/FI) khi sáng kiến này được khởi xướng ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Rio về trái đất năm 1992. Bằng việc ký tên vào bản cam kết, các tổ chức tài chính công khai thừa nhận vai trò của lĩnh vực dịch vụ tài chính trong việc làm cho nền kinh tế và lối sống của con người trở nên bền vững và cam kết tích hợp các vấn đề môi trường và xã hội vào tất cả các mặt hoạt động của họ.

Năm 1994, John Elkington giới thiệu khái niệm “The Triple Bottom Line” (TBL) như là một khung khổ về phát triển bền vững, có vai trò cân bằng các tác động về mặt xã hội, môi trường và kinh tế của doanh nghiệp. Mục đích chính của nó là giúp chuyển đổi hệ thống kinh doanh đương thời vốn tập trung vào kế toán tài chính sang cách tiếp cận toàn diện hơn khi đo lường tác động và sự thành công. TBL là một cách tiếp cận có tính thực tiễn về sự phát triển bền vững khi các doanh nghiệp cần phải chấp nhận (thực hiện) những hành vi có trách nhiệm về mặt xã hội và môi trường để có thể cân bằng một cách chủ động với các mục tiêu kinh tế của mình.

Năm 2001, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra một nghiên cứu với chủ đề “Thúc đẩy khung khổ Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở châu Âu”, bắt nguồn từ những kỳ vọng của xã hội và các quan ngại về tác động đến môi trường của các hoạt động kinh tế. Đây là lần đầu tiên vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) được trình bày như một chiến lược riêng biệt, trong đó bao gồm việc đề xướng quan niệm cho rằng các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những tác động của họ đến xã hội và chỉ ra những việc các doanh nghiệp phải làm để thực hiện trách nhiệm đó. Tuy nhiên, CSR mới dừng lại ở dạng mô hình cho các doanh nghiệp đơn lẻ mà không có một bộ tiêu chí chung để đo lường kết quả đạt được của các công ty.

Năm 2004, thuật ngữ ESG xuất hiện lần đầu trong một báo cáo quan trọng được thực hiện dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, tiêu đề là “Who Cares Wins”. Báo cáo này là kết quả của một sáng kiến chung với sự tham gia của 20 tổ chức tài chính từ 9 quốc gia, xuất phát từ quan điểm cho rằng trong một thế giới có tính toàn cầu hoá, nơi mà sự kết nối và cạnh tranh ngày càng gia tăng, cách thức quản lý các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị góp phần quyết định chất lượng quản lý chung của doanh nghiệp. Theo các tác giả của báo cáo (UN, 2004), có cơ sở để tin rằng những doanh nghiệp thực hành tốt hơn các vấn đề này có thể gia tăng giá trị cổ đông và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, xã hội mà họ là một phần trong đó. Đồng thời, đây đều là những nhân tố có thể tác động mạnh đến danh tiếng và thương hiệu, thành tố ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với giá trị doanh nghiệp. Báo cáo này cũng tạo nền tảng cho việc khởi xướng Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (Principles for Responsible Investment – PRI) năm 2006 và sự ra đời Sáng kiến Sở GDCK bền vững (SSEI) sau đó.

Nguồn: Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học-SRTC

Xem tiếp phần 2 tại: https://nhadautu.srtc.org.vn/p/tim-hieu-ve-esg-moi-quan-he-giua-csr-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-va-esg-phan-2

Bài viết liên quan
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040