Tìm hiểu về ESG: Mối quan hệ giữa CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và ESG (phần 2)

CSR (Corporate Social Responsibility) – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một hình thức tự quản lý đảm bảo các hành động của doanh nghiệp tạo ra tác động tích cực đến môi trường, người tiêu dùng, người lao động, cộng đồng và không gian công cộng (Gupta, 2021). CSR thể hiện sự tích hợp các vấn đề xã hội và môi trường vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, do đó là một khung khổ mang tính nội bộ giúp doanh nghiệp đạt được sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội.

Những vấn đề được coi là trọng tâm chính trong CSR bao gồm quản lý môi trường, hiệu quả sinh thái, tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia của các bên có lợi ích liên quan, các tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc, quan hệ với người lao động và cộng đồng, công bằng xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, quản trị tốt và các biện pháp chống tham nhũng (theo UNDP). Thông qua các chương trình CSR và hoạt động thiện nguyện, doanh nghiệp vừa làm lợi cho xã hội, vừa quảng bá được thương hiệu và danh tiếng của mình.

Năm 2010, Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO) đã công bố một bộ tiêu chuẩn tự nguyện với mục đích giúp các doanh nghiệp thực thi CSR, bất kể doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực nào, ở đâu và có quy mô ra sao. Bộ tiêu chuẩn ISO 26000 này làm rõ trách nhiệm xã hội là gì và giúp các tổ chức chuyển CSR từ nguyên tắc thành hành động thực tế. Tuy nhiên, do là một khung khổ nội bộ dựa trên các cam kết tự nguyện của doanh nghiệp và phần nhiều mang tính chất định tính, CSR bộc lộ những điểm hạn chế khi những đối tượng có liên quan từ bên ngoài doanh nghiệp (như cơ quan quản lý, nhà đầu tư và công chúng nói chung) ngày càng muốn nhìn thấy bằng chứng thực sự cho những tác động tích cực mà doanh nghiệp tạo ra. Trong bối cảnh đó, việc chuyển dịch từ CSR sang ESG là một xu thế tất yếu.

Về bản chất, ESG là công cụ để đánh giá các doanh nghiệp liên quan đến những mục tiêu đáng mong muốn về mặt xã hội. Trong chừng mực nhất định, tuy ESG và CSR chia sẻ những mục tiêu chung, song đây là hai khái niệm riêng biệt, không thay thế được cho nhau. Cụ thể hơn, ESG mô tả một tập hợp các nhân tố được sử dụng để đo lường các tác động phi tài chính tạo ra từ những khoản đầu tư hay doanh nghiệp nhất định (Bergman và cộng sự, 2020). Vượt ra khỏi khuôn khổ của thước đo về mặt tài chính, ESG đại diện cho một cách tiếp cận toàn diện mà các doanh nghiệp áp dụng để thúc đẩy thực hành kinh doanh bền vững và tạo ra giá trị dài lâu. ESG khởi nguồn từ triết lý đầu tư với trọng tâm là tính bền vững và do đó gắn liền với đầu tư có trách nhiệm về mặt xã hội. ESG cũng là sự kế thừa CSR và phát triển bộ số liệu cũng như các chỉ báo định lượng cho phép nhà đầu tư, khách hàng và nhiều đối tượng khác sử dụng nhằm hiểu rõ việc thực hành các hoạt động từ thiện, xã hội và quản trị nội bộ, hay đánh giá trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Điều này cũng được thể hiện rõ qua ba thành tố được bao hàm trong khái niệm ESG, đó là:

E – khía cạnh môi trường: phản ánh những vấn đề như hiệu quả sử dụng năng lượng, phát thải khí nhà kính, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất thải và sử dụng nước…

S – khía cạnh xã hội: bao trùm các vấn đề như tiêu chuẩn lao động, tiền công và trợ cấp, đa dạng giới tại nơi làm việc và trong hội đồng quản trị, quản lý nhân tài, quan hệ cộng đồng, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu, quản lý chuỗi cung ứng…

G – khía cạnh quản trị: đây là yếu tố có vai trò chi phối, ảnh hưởng đến hai thành tố còn lại được đề cập ở trên. Những vấn đề cụ thể liên quan đến “G” là thành phần và cơ cấu hội đồng quản trị, tầm nhìn chiến lược về phát triển bền vững và sự tuân thủ, thù lao cho ban quản lý, chống tham nhũng và hối lộ…

Như vậy, có thể thấy ESG và CSR là những khái niệm có liên hệ với nhau, đều xoay quanh điểm cốt lõi là sự (phát triển) bền vững, và đều được gắn với hoạt động báo cáo của doanh nghiệp về các ảnh hưởng (từ hoạt động kinh doanh của họ) đến môi trường và xã hội. Tuy nhiên, nếu với CSR, doanh nghiệp thường áp dụng cơ chế tự theo dõi, giám sát và báo cáo bằng đội ngũ nhân sự nội bộ; thì ESG đòi hỏi phải được dựa trên các điểm dữ liệu (data points) và hệ đo lường mà nhà phân tích (bên ngoài) có thể sử dụng để đánh giá hiệu quả thực tế, từ đó phục vụ cho việc ra quyết định (của nhà đầu tư). Vì vậy, yêu cầu đối với các chỉ tiêu và thước đo của ESG là tính chuẩn hoá, khả năng có thể so sánh được. Điều này đặt ra nhu cầu ngày càng lớn về sự tham gia của bên thứ ba thu thập dữ liệu liên quan đến thực hành ESG và sự nhất quán trong công tác báo cáo giữa các tổ chức khác nhau.

Nguồn: Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học-SRTC

Xem tiếp phần 3 tại: https://nhadautu.srtc.org.vn/p/tim-hieu-ve-esg-pham-vi-cua-esg-phan-03

Bài viết liên quan
Mua bán và sáp nhập
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040