Tìm hiểu về quỹ thị trường tiền tệ (Phần 3)

        Tương tự như các loại hình quỹ đầu tư khác, quỹ TTTT là một cơ chế đầu tư tập thể, kết nối những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi với những đối tượng có nhu cầu sử dụng tiền cho các hoạt động kinh doanh. Điểm khác biệt là đối tượng được sử dụng khoản tiền đầu tư của quỹ cũng chính là bên vay tiền – do họ là những tổ chức phát hành công cụ nợ được quỹ mua và nắm giữ trong danh mục, hoặc đi vay bằng cách cầm cố tài sản là chứng khoán nợ cho quỹ (liên quan đến giao dịch repo). Mối quan hệ giữa các bên liên quan tham gia quỹ TTTT được mô tả trong hình sau.

Hình: Mối quan hệ giữa các bên liên quan tham gia quỹ TTTT

Nguồn: Deutsche Bank Research

Có thể thấy, có 03 bên đóng vai trò chính trong hoạt động và vận hành của quỹ TTTT, bao gồm: nhà đầu tư, bên đi vay và công ty quản lý quỹ. Về mặt pháp lý, tùy thuộc hệ thống pháp luật và quy định ở từng quốc gia, quỹ TTTT có thể được tổ chức dưới hình thức công ty hoặc dưới dạng hợp đồng. Theo đó, nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) góp vốn vào quỹ thông qua việc mua và nắm giữ cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ.

Tiếp theo đó, với nguồn vốn được tập hợp từ các nhà đầu tư, quỹ TTTT sẽ đầu tư vào các chứng khoán ngắn hạn, có chất lượng tốt (thể hiện qua mức xếp hạng tín nhiệm cao) do bên đi vay phát hành. Danh mục đầu tư của quỹ TTTT thường bao gồm các loại chứng khoán sau:

- Chứng chỉ tiền gửi (CD) do các ngân hàng phát hành;

- Thương phiếu (CP) là các giấy tờ nhận nợ (ngắn hạn) không có tài sản đảm bảo do các ngân hàng hoặc doanh nghiệp lớn phát hành;

- Thương phiếu có tài sản đảm bảo (ABCP) là chứng khoán (ngắn hạn) do các định chế có mục đích đặc biệt (SPV) phát hành và được đảm bảo bằng những tài sản mà SPV đó mua và nắm giữ;

- Chứng khoán nợ ngắn hạn do Chính phủ phát hành hoặc được Chính phủ bảo lãnh; chứng khoán nợ do Chính phủ hay chính quyền địa phương phát hành phát hành hoặc được Chính phủ bảo lãnh và có thời gian còn lại đến khi đáo hạn dưới 1 năm (hoặc có thể 2 năm);

- Chứng khoán nợ ngắn hạn do các tổ chức thuộc khu vực tư nhân phát hành;

- Chứng chỉ (cổ phiếu) của các quỹ TTTT khác;

- Chứng khoán phái sinh (thường để phục vụ mục đích phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư của quỹ).

        Cuối cùng, để đảm bảo sự vận hành của quỹ TTTT, công ty (chuyên gia) quản lý quỹ chịu trách nhiệm về hoạt động hàng ngày của quỹ và được nhận phí quản lý từ các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có một số các đơn vị khác liên quan tới quá trình vận hành quỹ có thể kể đến như: ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán (cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, môi giới giao dịch); đại lý phân phối chứng chỉ quỹ; ngân hàng lưu ký (thực hiện lưu ký, cất giữ chứng khoán và các dịch vụ hành chính khác); tổ chức xếp hạng tín nhiệm… Sự phối hợp giữa các thành phần trên góp phần đảm bảo hoạt động của quỹ TTTT diễn ra minh bạch, an toàn, đồng thời tối ưu hóa lợi ích cho nhà đầu tư.

Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC

Bài viết liên quan
Chỉ số chứng khoán
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040