Khái niệm
Cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của người sở hữu (cổ đông) đối với phần vốn góp của tổ chức phát hành.
Đặc điểm của cổ phiếu
- Tổ chức phát hành cổ phiếu là Công ty cổ phần (CTCP).
- Cổ phiếu là công cụ đầu tư tài chính không có thời hạn.
- Cổ đông góp vốn vào CTCP thông qua việc nắm giữ cổ phiếu sẽ trở thành chủ sở hữu, và chia sẻ mọi thành quả cũng như tổn thất trong quá trình hoạt động của CTCP. Mức độ sở hữu CTCP của cổ đông tương ứng với tỷ lệ vốn góp hay tỷ lệ cổ phần nắm giữ.
- Thu nhập từ cổ phiếu thường không cố định, phụ thuộc tình hình sản xuất kinh doanh và chính sách chia lợi tức của CTCP.
Phân loại cổ phiếu
Dựa theo những tiêu chí khác nhau (ví dụ: về thu nhập từ cổ phiếu, hình thức ghi danh trên cổ phiếu…) sẽ có những cách phân loại khác nhau với cổ phiếu. Tuy nhiên, theo cách thông dụng nhất, cổ phiếu được phân loại trên cơ sở quyền lợi mà nhà đầu tư nhận được từ việc nắm giữ, gồm cổ phiếu phổ thông (cổ phiếu thường) và cổ phiếu ưu đãi (thường với dạng ưu đãi cổ tức).
Tiêu chí |
Cổ phiếu phổ thông |
Cổ phiếu ưu đãi |
Khái niệm |
Là dạng cổ phiếu điển hình và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các loại cổ phiếu được phép phát hành của CTCP, cho phép người nắm giữ được hưởng những quyền lợi cơ bản từ cổ phiếu. |
Là cổ phiếu dành cho những cổ đông ưu đãi, đi kèm những quyền lợi khác biệt so với cổ đông thường (nắm giữ cổ phiếu thường). |
Lợi ích nắm giữ |
Thu nhập từ cổ tức không cố định vì phụ thuộc kết quả hoạt động kinh doanh và chính sách chi trả cổ tức của CTCP. |
Thu nhập thường cố định, theo mức tỷ lệ cổ tức tối đa so với mệnh giá trong điều kiện công ty hoạt động bình thường |
Quyền lợi |
- Quyền sở hữu công ty, đồng thời cũng gánh chịu những rủi ro công ty gặp phải tương ứng với phần vốn góp vào số cổ phần nắm giữ; - Quyền mua cổ phiếu mới phát hành trước đợt phát hành rộng rãi ra công chúng, phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ; - Quyền bỏ phiếu và ứng cử vào các chức vụ quản lý trong công ty; - Quyền tham dự đại hội đồng cổ đông và quyết định những vấn đề quan trọng của công ty; - Quyền được kiểm tra sổ sách của công ty khi cần thiết, quyền được yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường; - Quyền được chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần bằng hình thức bán lại cổ phiếu hoặc quà tặng, thừa kế. |
- Quyền được ưu tiên thanh toán trước trong trường hợp công ty giải thể hay thanh lý tài sản do bị phá sản; - Trong một số trường hợp được quy định, cổ phiếu ưu đãi có thể được chuyển đổi sang dạng chứng khoán khác (thường là cổ phiếu phổ thông). |
Vấn đề trả cổ tức |
Được trả cổ tức sau trái chủ (người sở hữu trái phiếu) và cổ đông ưu đãi. |
Được ưu tiên trả cổ tức trước cổ đông thường và sau trái chủ |
Một số đặc trưng của cổ phiếu
- Mệnh giá của cổ phiếu thường (giá trị danh nghĩa): là giá trị mà CTCP ấn định cho một cổ phiếu và được ghi trên cổ phiếu.
- Giá trị sổ sách của cổ phiếu thường: là giá trị của cổ phiếu được xác định dựa trên cơ sở số liệu sổ sách kế toán của công ty.
- Giá trị thị trường (giá thị trường hay thị giá): là giá trị thị trường hiện tại của cổ phiếu thường, được thể hiện trong giao dịch cuối cùng đã được ghi nhận.
Những lợi ích cơ bản khi nắm giữ cổ phiếu
Cổ đông nắm giữ cổ phiếu có thể nhận được những lợi ích sau:
- Cổ tức: là một phần trong lợi nhuận của CTCP dành chia cho cổ đông, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và trang trải các khoản nợ, chi trả lãi trái phiếu (nếu có).
- Lợi vốn: là khoản chênh lệch giữa giá mua ban đầu và giá bán cổ phiếu sau đó. Trong trường hợp giá bán cao hơn giá mua (giá cổ phiếu tăng), nhà đầu tư sẽ có lãi vốn; trong trường hợp ngược lại sẽ gây lỗ vốn (giá cổ phiếu giảm).
Những rủi ro khi nắm giữ cổ phiếu
Rủi ro được hiểu là sự không chắc chắn, không ổn định trong mức sinh lời của khoản đầu tư. Đối với đầu tư cổ phiếu, rủi ro có thể phân loại thành 2 nhóm chính, gồm rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống.
Rủi ro hệ thống là những rủi ro có ảnh hưởng đến toàn bộ các loại cố phiếu trên thị trường. Trong nhóm rủi ro này có thể kể đến:
- Rủi ro thị trường: là khả năng một nhà đầu tư có thể phải chịu thua lỗ do một số các yếu tố tác động tới hoạt động chung của thị trường tài chính, khiến cho giá chứng khoán nói chung bị sụt giảm. Những rủi ro thị trường không thể giảm thiểu thông qua đa dạng hóa rủi ro (mua nhiều loại chứng khoán có mức biến động giá ngược chiều nhau), tuy nhiên có thể dùng công cụ chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro.
- Rủi ro thanh khoản: là khả năng một nhà đầu tư không thể mua hoặc bán một công cụ đầu tư tại mức giá hoặc theo khối lượng mà anh ta mong muốn do không có đủ người mua hoặc người bán trên thị trường.
- Rủi ro lạm phát: là loại rủi ro xảy ra khi có sự thay đổi trong mối tương quan giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ với giá trị tiền tệ. Điều này làm ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, gây ra những biến động về giá cổ phiếu. Nói cách khác, đây là rủi ro xảy ra trong tương lai khi sức mua từ luồng thu nhập của một khoản đầu tư nào đó bị sụt giảm. Cách tốt nhất để phòng ngừa rủi ro lạm phát là thông qua các khoản đầu tư gia tăng giá trị, chẳng hạn như cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi, vì các công cụ này xét về dài hạn luôn có một phần giá trị gia tăng rất hiệu quả để phòng ngừa rủi ro lạm phát.
- Rủi ro tỷ giá: là rủi ro xảy ra từ việc thay đổi trong tương quan về giá của một đồng tiền so với một đồng tiền khác. Ví dụ, một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và luồng tiền thu được là đồng VND, những biến động liên tục của đồng VND so với giá trị của đồng ngoại tệ nơi mà nhà đầu tư muốn chuyển thu nhập về sẽ tạo ra rủi ro đối với giá trị của khoản đầu tư tại thị trường này. Nếu đồng VND bị giảm giá trị do với đồng ngoại tệ, luồng thu nhập của nhà đầu tư khi chuyển ngoại tệ sẽ bị sụt giảm, và ngược lại, tăng khi giá trị đồng VNĐ tăng lên.
- Rủi ro lãi suất: là những rủi ro xảy ra khi có sự thay đổi trong mức lãi suất chung, làm ảnh hưởng đến mức sinh lời, những quyết định, chính sách trong hoạt động đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế.
- Rủi ro của một quốc gia: những rủi ro này có thể xảy ra khi có sự thay đổi trong hệ thống chính trị, kinh tế xã hội, môi trường kinh doanh, vấn đề pháp lý, điều kiện tự nhiên… những thay đổi sẽ tạo ra những tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phiếu trên thị trường.
Rủi ro phi hệ thống là những rủi ro có tác động riêng lẻ, ảnh hưởng đến một ngành, hoặc một công ty cụ thể. Trong nhóm rủi ro này có thể kể đến:
- Rủi ro kinh doanh: là khả năng một công ty có thể đạt được mức lợi nhuận thấp hơn dự kiến hoặc phải chịu một khoản thua lỗ thay vì thu lãi. Rủi ro kinh doanh bị tác động bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm cả doanh số bán hàng, giá cả của từng đơn vị hàng bán, chi phí đầu vào, đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh tế nói chung và các thay đổi về chính sách quản lý nhà nước…
- Rủi ro chu kỳ: thị trường, ngành sản xuất, và ngay chính các công ty trong quá trình sản xuất kinh doanh luôn có những chu kỳ suy thoái – phục hồi – tăng trưởng. Trong những chu kỳ khác nhau, tình hình phát triển hay sự thay đổi về chính sách cổ tức của công ty khác nhau, ảnh hưởng đến lợi suất kỳ vọng khi đầu tư của cổ đông.
- Rủi ro trong tư vấn đầu tư, tâm lý thị trường: Nhà đầu tư thường tham khảo những thông tin từ thị trường, hoặc những tư vấn của nhà môi giới. Sự chính xác và đầy đủ trong việc thu nhận thông tin sẽ có tác động đến quyết định đầu tư, và thu nhập từ hoạt động đầu tư trong tương lai.