Chứng quyền có bảo đảm

Chứng quyền


Khái niệm

Chứng quyền có bảo đảm (CQCBĐ) là loại chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Nhà đầu tư sẽ được lãi khi giá mua chứng khoán cơ sở (trong trường hợp chứng quyền mua) thấp hơn giá trên thị trường hoặc giá bán (trong trường hợp chứng quyền bán) cao hơn giá trên thị trường. Trong trường hợp ngược lại có khả năng bị lỗ, nhà đầu tư có thể từ bỏ việc thực hiện chứng quyền và giới hạn khoản lỗ tối đa bằng phí mua chứng quyền.

Tài sản cơ sở của Chứng quyền có bảo đảm rất đa dạng và được quy định bởi cơ quan quản lý, bao gồm: cổ phiếu, chỉ số chứng khoán, rổ chứng khoán, ETF, chứng chỉ lưu ký, ngoại tệ,…


Một số loại Chứng quyền có bảo đảm

Phân loại theo tiêu chí nội dung thực hiện quyền

  • Chứng quyền mua cho phép người nắm giữ được quyền (không phải là nghĩa vụ) mua một tài sản cơ sở với mức giá được định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn.
  • Chứng quyền bán cho phép người nắm giữ được quyền (không phải là nghĩa vụ) bán một tài sản cơ sở với mức giá được định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn.

 

Phân loại theo tiêu chí phương thức thực hiện quyền

  • Chứng quyền theo kiểu Mỹ cho phép người nắm giữ được thực hiện quyền trước hoặc vào ngày đáo hạn.
  • Chứng quyền theo kiểu châu Âu cho phép người nắm giữ chỉ được thực hiện quyền vào ngày đáo hạn.

 

Phân loại theo tiêu chí phương thức thanh toán

  • Chứng quyền thanh toán bằng tiền
  • Chứng quyền thanh toán bằng chứng khoán cơ sở
  • Chứng quyền thanh toán đồng thời bằng tiền và chứng khoán cơ sở

Đặc điểm

- Tổ chức phát hành Chứng quyền có bảm đảm là một tổ chức hoàn toàn độc lập với tổ chức phát hành tài sản cơ sở.

- Các điều khoản của CQCBĐ hoàn toàn do tổ chức phát hành quyết định.

- CQCBĐ được giao dịch trên sàn giao dịch tài sản cơ sở với cơ chế giao dịch tương tự như giao dịch tài sản cơ sở. Nhà đầu tư không cần phải mở tài khoản giao dịch khác để mua bán CQCBĐ và không phải ký quỹ trước khi giao dịch.

- Sau khi được phát hành, số lượng CQCBĐ lưu hành là xác định. Vì thế nhà đầu tư không thể bán CQCBĐ khi chưa thực sự nắm giữ.

- Giá thực hiện và ngày hết hạn của CQCBĐ thường cố định.


Những lợi ích khi đầu tư Chứng quyền có bảo đảm

- Khả năng gia tăng cao về thu nhập (tính đòn bẩy): Chỉ một thay đổi nhỏ về giá của tài sản cơ sở cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn hơn về giá của CQCBĐ. Vì thế chỉ với chi phí đầu tư ban đầu nhỏ sẽ có thể mang lại mức thu nhập lớn.

- Có thể cố định khoản lỗ tối đa trong đầu tư (chi phí mua ban đầu)

- Giao dịch và thanh toán dễ dàng tương tự tài sản cơ sở trên thị trường, đồng thời tính thanh khoản cao.


Những rủi ro từ Chứng quyền có bảo đảm

- Rủi ro đòn bẩy: Do giá trị của CQCBĐ sẽ biến động nhanh hơn so với biến động giá trị của tài sản cơ sở, vậy nên khi giá của tài sản cơ sở biến động bất lợi thì vị thế nắm giữ một CQCBĐ có thể bị biến động bất lợi nhiều hơn so với tài sản cơ sở.

- Rủi ro giới hạn “vòng đời”: Thông thường thời gian tồn tại của CQCBĐ là từ 6 tháng đến 24 tháng. Sau thời hạn này, CQCBĐ sẽ không được giao dịch hay thực hiện quyền nữa. Vì vậy, khác với đầu tư cổ phiếu trực tiếp, nhà đầu tư không thể nắm giữ CQCBĐ dài hơn thời hạn quy định nhằm kỳ vọng giá của tài sản cơ sở phục hồi.

- Rủi ro Giá trị thời gian: Do thời hạn của CQCBĐ được cũng xem là giá trị thời gian của CQCBĐ đó. Càng đến gần thời gian hết hạn, giá trị thời gian của CQCBĐ càng giảm dần và giá trị thời gian của CQCBĐ sẽ bằng không (0) khi CQCBĐ đến hạn.

- Rủi ro nhà phát hành: Rủi ro này phát sinh khi nhà phát hành bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi CQCBĐ đến hạn.

- Rủi ro quyền lợi: CQCBĐ là một quyền về tài sản tài chính hình thành trong tương lai nên người nắm giữ CQCBĐ không có quyền cổ đông như người nắm giữ tài sản cơ sở.

Bài viết liên quan
Phân tích kỹ thuật
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040