Tìm hiểu về ESG: Lợi ích của việc thực hành tốt ESG (Phần 11)

Trên khía cạnh lý thuyết cũng như thực tiễn, việc thực hành ESG – bao gồm việc tích hợp các nhân tố ESG vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như vào quá trình ra quyết định đầu tư – có thể mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể liên quan trực tiếp cũng như cho toàn cộng đồng và xã hội.

Đối với doanh nghiệp

Với việc thực hành tốt ESG, thể hiện và chứng tỏ cam kết mạnh mẽ với việc tích hợp các nhân tố ESG vào chiến lược và hoạt động kinh doanh của mình, doanh nghiệp có thể:

- Nâng cao uy tín trước các nhà đầu tư và cộng đồng. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường và xã hội ngày càng giành nhiều sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng, việc doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ về ESG, cung cấp báo cáo phát triển bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu sẽ giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư và các bên liên quan đối với doanh nghiệp, từ đó có thể tạo ra những tác động tích cực về mặt tài chính và tiềm năng phát triển trong tương lai.

- Tăng cường quản lý các rủi ro dài hạn và nắm bắt các cơ hội có khả năng bị bỏ lỡ. Các rủi ro ESG (như thiếu quản lý về mặt môi trường, các xung đột tiềm ẩn với cộng đồng, những thay đổi về mặt pháp lý) thường dễ bị bỏ qua do chúng là những yếu tố khó lượng hóa và có thể không nhìn thấy ngay được. Nhưng khi các rủi ro này tích tụ dần theo thời gian và trở nên nghiêm trọng, chúng có thể gây ra những thiệt hại cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính (chi phí khắc phục, danh tiếng của doanh nghiệp). Bên cạnh đó, thực hành ESG cũng đem lại cho công ty nhiều cơ hội thông qua việc nâng cao hiệu quả, giảm chi phí (do giảm tiêu thụ tài nguyên và năng lượng, giảm chất thải), tăng năng suất lao động của người lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra cơ hội tăng trưởng ở những lĩnh vực như công nghệ hay năng lượng sạch…

- Phù hợp với xu thế và thu hút nhà đầu tư. Với việc nhà đầu tư đang ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của tính bền vững và khả năng chống chịu khi đối mặt với khủng hoảng, các dòng vốn đã và đang được chuyển hướng tới những mục tiêu đầu tư có tiềm năng tạo ra tác động tích cực về mặt tài chính, môi trường và xã hội trong dài hạn. Trong trường hợp này, việc thực hành tốt ESG có thể giúp doanh nghiệp thu hút lực lượng nhà đầu tư mới và giữ chân những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn do các nhà đầu tư theo xu hướng ESG thường hướng đến việc tạo giá trị trong dài hạn.

- Chuẩn bị tốt cho những thay đổi về mặt pháp lý. Các cơ quan quản lý ở nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang hướng các chính sách, quy định đến việc khuyến khích tài chính và đầu tư bền vững. Điều này sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Bằng cách chủ động tích hợp các nhân tố ESG vào hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ được chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi pháp lý sắp tới để giành được lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu.

Đối với nhà đầu tư

Nghiên cứu của MSCI (2020) cho thấy đặc điểm ESG của các công ty gắn liền với rủi ro và kết quả tài chính thông qua ba kệnh truyền dẫn kinh tế chính – kênh dòng tiền, kênh rủi ro cá biệt và kênh định giá. Cụ thể;

- Kênh dòng tiền: Những công ty có xếp hạng ESG trung bình ở mức cao trong quá khứ có khả năng sinh lời tốt hơn, thể hiện lợi nhuận ổn định hơn và trả lợi suất cổ tức cao hơn (nhận định này được rút ra sau khi đã loại bỏ tác động của yếu tố quy mô). Xét trên giác độ kinh tế, nguyên nhân của hiện tượng này là đặc tính ESG mạnh hơn có thể có mối liên hệ với hành vi kinh doanh tốt hơn, dẫn đến thu hút được nhiều nhân sự có tài hơn và quản lý đổi mới hiệu quả hơn, phát triển các kế hoạch kinh doanh dài hạn và chương trình đãi ngộ (khuyến khích) ban quản lý, đồng thời làm cho khách hàng hài lòng hơn.

- Kênh rủi ro cá biệt: những công ty có mức xếp hạng ESG cao cho thấy tần suất sụt giảm giá cổ phiếu ít hơn, và được xem là có khả năng quản lý và giảm thiểu rủi ro cá biệt gắn liền với doanh nghiệp mình tốt hơn những công ty xếp hạng thấp trong cùng lĩnh vực hoạt động.

- Kênh định giá: Những công ty có mức xếp hạng ESG cao cho thấy mức rủi ro hệ thống thấp hơn, chi phí vốn thấp hơn, và do đó có mức định giá cao hơn. Lý do giải thích cho hiện tượng này có vẻ khá dễ hiểu: những công ty thực hành tốt ESG có khả năng đạt được sức chống chịu mạnh mẽ hơn khi phải đối diện với môi trường nhiều yếu tố bất định, như những biến động trên thị trường tài chính và những thay đổi trong khung pháp lý.

Đầu tư ESG cũng giúp các nhà đầu tư thực hiện được các mong muốn và trách nhiệm cá nhân trong việc đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển bền vững, vì một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn.

Đối với nền kinh tế

          Theo Zhou và cộng sự (2020), khi mức độ thực hành ESG của các doanh nghiệp trong nền kinh tế càng tốt thì tác động tích cực mà nó tạo ra cho nền kinh tế vĩ mô càng lớn. Cụ thể, nâng cao hiệu quả thực hành nhân tố E và G có thể ảnh hưởng tốt đến tăng trưởng GDP trên đầu người ở các nền kinh tế mới nổi, trong khi thực hành tốt nhân tố S có thể tác động tích cực đến tăng trưởng GDP ở cả các nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi. Quan trọng hơn, thực hành tốt ESG có thể giúp các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm cơ hội phát triển và thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.

Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC

Bài viết liên quan
Phân tích cơ bản
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040