Hệ sinh thái ESG theo quan điểm của OECD bao gồm một loạt các yếu tố và thành phần liên quan đến việc đánh giá và quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động kinh doanh và đầu tư. Hệ sinh thái này bao gồm nhiều bên liên quan và cơ cấu khác nhau, tất cả đều đóng góp vào việc thúc đẩy thực hành bền vững và có trách nhiệm. Dưới đây là các thành phần chính của hệ sinh thái ESG theo quan điểm của OECD:
Tổ chức phát hành: thuộc khu vực công hoặc khu vực tư nhân, tổ chức phát hành là nguồn cung hàng hoá – gồm chứng khoán nợ và chứng khoán vốn – trên thị trường tài chính để huy động vốn từ nhà đầu tư. Đây là một cấu thành quan trọng trong hệ sinh thái ESG vì họ cũng chính là đối tượng cung cấp thông tin trực tiếp liên quan đến ESG để dựa vào đó các tổ chức xếp hạng ESG, tổ chức định mức tín nhiệm, nhà đầu tư và các bên liên quan khác (như các tổ chức phi chính phủ về khí hậu hoặc nhân quyền) có thể phân tích, đánh giá và sử dụng cho những nhu cầu, mục tiêu cụ thể của mình.
Tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng ESG: bao gồm những công ty cung cấp kết quả đánh giá đối với tổ chức phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) dựa trên thông tin do các tổ chức đó công bố. Căn cứ vào những dữ liệu đo lường về các yếu tố (liên quan đến phát triển) bền vững được công bố, các tổ chức xếp hạng thực hiện chấm điểm ESG cho tổ chức phát hành. Nhiều phương pháp chấm điểm và xếp hạng khác nhau có thể được áp dụng, trong đó bao gồm những phương pháp dựa trên cách tiếp cận có tính định lượng cao, sử dụng và xem xét lượng dữ liệu lớn thu thập và đo lường được đến từ nguồn của các doanh nghiệp phát hành hay nguồn khác của ngành. Các tổ chức xếp hạng ESG lớn hiện nay có thể kể đến MSCI, Sustainalytics, Bloomberg, Thomson Reuters và RobecoSAM. Bên cạnh đó, một số tổ chức định mức tín nhiệm truyền thống như Moody’s, S&P và Fitch cũng cung cấp loại hình dịch vụ này.
Tổ chức (cung cấp) chỉ số ESG: các chỉ số ESG ngày càng được sử dụng nhiều hơn như là một cách để mô phỏng (bám theo) diễn biến (và kết quả) tương đối của các danh mục đầu tư thị trường định hướng ESG. Nói cách khác, các nhà đầu tư tổ chức có thể sử dụng các chỉ số này như là chỉ số tham chiếu để đánh giá hiệu quả cho danh mục của mình. Các tổ chức cung cấp chỉ số (như MSCI, FTSE Russell, Bloomberg…) xây dựng và đưa ra thị trường hàng loạt các chỉ số cho phép phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư quản lý theo phong cách chủ động hay thụ động, và cũng cho phép các nhà quản lý danh mục đầu tư sử dụng chúng như là yếu tố tham chiếu để so sánh và đánh giá khả năng tạo ra mức sinh lời vượt trội điều chỉnh rủi ro.
Đối tượng sử dụng (thông tin) ESG: các công ty quản lý tài sản, nhà đầu tư tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trong khu vực công là những đối tượng sử dụng các thông tin và kết quả xếp hạng liên quan đến ESG. Các công ty quản lý quỹ tạo ra các danh mục đầu tư chuyên biệt, và các sản phẩm đầu tư (như quỹ tương hỗ, quỹ ETF) sử dụng xếp hạng ESG và các thông tin liên quan để xác định mức xếp hạng của riêng họ, từ đó đưa ra các quyết định xây dựng danh mục đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức (như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí) có thể tích hợp xếp hạng ESG trong quá trình quản lý danh mục đầu tư, và xem xét đến các thông tin trọng yếu mang tính tiên liệu trong quy trình đầu tư theo cách phù hợp với trách nhiệm được ủy thác của mình. Ngoài ra, các tổ chức trong khu vực công (như ngân hàng trung ương và tổ chức phát hành công cụ nợ công) cũng đã bắt đầu lưu tâm đến tầm quan trọng và nhu cầu tích hợp ESG. Cụ thể, các tổ chức quản lý dự trữ của ngân hàng trung ương ngày càng muốn hướng tới tính bền vững về tài chính trong dài hạn của các danh mục đầu tư, và cố gắng đánh giá những rủi ro gắn với quá trình chuyển đổi ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tác động thị trường của việc nhà đầu tư chuyển hướng sang các ngành phát thải ít carbon hơn.
Các tổ chức thiết lập khung khổ, hướng dẫn và giám sát về ESG: bao gồm trong số này là các tổ chức phát triển và ban hành khung khổ ESG (như tổ chức thiết lập chuẩn mực công bố thông tin; sở giao dịch và tổ chức tự quản) đưa ra các hướng dẫn về công bố thông tin và thực hành tốt cho các thành viên của mình. Các tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển các khung khổ công bố thông tin về ESG phải kể đến Uỷ ban Chuẩn mực báo cáo về phát triển bền vững (SASB) – tập trung vào tính trọng yếu về tài chính; Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI) và Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế (IIRC). Ngoài ra, các tổ chức cung cấp khung khổ công bố thông tin riêng liên quan đến rủi ro khí hậu là Lực lượng đặc nhiệm về Công bố thông tin liên quan đến khí hậu (TCFD) và Uỷ ban chuẩn mực công bố thông tin khí hậu (CDSB) – phản ánh tính trọng yếu về tài chính và môi trường ở những cấp độ khác nhau.
Các tổ chức phát triển và/hoặc thực thi quy định và luật lệ: bao gồm cơ quan quản lý thị trường và tổ chức giám sát các định chế tài chính, các sở giao dịch chứng khoán và tổ chức tự quản. Cơ quan có thẩm quyền giám sát, như các uỷ ban chứng khoán, tổ chức giám sát công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí, ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc đánh giá các hệ thống phân loại và công bố thông tin ESG. Điều này xuất phát từ thực tế là các sản phẩm liên quan đến ESG trên thị trường có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ nhà đầu tư và ổn định tài chính. Ở nhiều nước, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chịu trách nhiệm phê duyệt đăng ký và cấp phép cho các tổ chức cung cấp sản phẩm tài chính liên quan đến ESG ra thị trường. Về phần mình, các sở GDCK, tổ chức tự quản và các tổ chức khác trong ngành tài chính cũng góp phần vào việc đánh giá các thông lệ ESG và phổ biến các thông lệ tốt về công bố thông tin.
Cuối cùng là các tổ chức thiết lập chuẩn mực về ứng xử có đạo đức và có trách nhiệm, bao gồm những tổ chức quốc tế đặt ra tiêu chuẩn và hướng dẫn về đầu tư có trách nhiệm và các mục tiêu phát triển bền vững. Liên Hợp Quốc, OECD, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) là những tổ chức có các tiêu chuẩn (về xã hội và môi trường) được nhiều nhà thiết lập khung khổ ESG sử dụng.
Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC