Tìm hiểu về ESG: Hạn chế của việc xếp hạng ESG (Phần 9)

Mặc dù được xem là một công cụ hữu ích cho nhà đầu tư khi cung cấp quan điểm độc lập của bên thứ ba về kết quả thực hành ESG của doanh nghiệp, xếp hạng ESG cũng có những điểm hạn chế, cụ thể là:

- Hầu hết các phương pháp xếp hạng ESG đều xem xét cả ba trụ cột (môi trường, xã hội, quản trị), chấm điểm riêng cho từng nhân tố rồi tổng hợp vào một điểm ESG chung. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu về một mức điểm/xếp hạng duy nhất, đơn giản, phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong đó có quản lý danh mục đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mới có nhân tố môi trường đạt mức độ chuẩn hoá và tin cậy cần thiết cho việc xếp hạng do đang là trọng tâm của các nỗ lực chính sách và nguồn dữ liệu (chỉ tiêu) định lượng có khả năng tiếp cận lớn hơn. Không những vậy, việc tổng hợp điểm đánh giá cũng không hề đơn giản vì còn liên quan đến các quan điểm khác nhau trong việc gán tỷ trọng cho từng nhân tố (E, S và G).

- Việc đánh giá tính chính xác của xếp hạng ESG cũng là một vấn đề còn gây nhiều băn khoăn. Điều này chủ yếu xuất phát từ việc đo lường kết quả trong dài hạn của các chỉ tiêu định tính như sự tham gia của cổ đông và các vấn đề xã hội. Với xếp hạng tín nhiệm, phép thử độ chính xác cơ bản nhất là sự kiện mất khả năng thanh toán của công cụ hay tổ chức phát hành; theo đó thang xếp hạng tín nhiệm được phân chia một cách tự nhiên từ mức an toàn nhất đến mức mất khả năng thanh toán cho mọi doanh nghiệp. Với xếp hạng ESG, rất khó để thực hiện được việc đánh giá sau chất lượng của hoạt động này.

- Do chưa có một định nghĩa mang tính pháp lý hoàn chỉnh về xếp hạng ESG, việc xác định tiêu chí để đánh giá một tổ chức cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện được xem là tổ chức xếp hạng ESG hay không cũng còn khá mơ hồ. Vì thế, việc thống kê số lượng tổ chức cung cấp dịch vụ này cũng đem lại những kết quả thiếu nhất quán, dao động từ hàng chục đến hàng trăm tổ chức trên phạm vi toàn cầu. Các tổ chức này có thể cung cấp điểm đánh giá và mức xếp hạng khác nhau cho cùng một doanh nghiệp do họ sử dụng phương pháp luận không giống nhau hoặc có quan điểm khác nhau về mức độ trọng yếu của mỗi nhân tố, dẫn đến sự khác biệt về tỷ trọng được gán cho chúng khi tính toán. Đây là vấn đề có thể gây khó khăn cho người sử dụng kết quả đánh giá, xếp hạng.

- Chất lượng dữ liệu và khả năng tiếp cận dữ liệu còn nhiều hạn chế. Điều này đặc biệt đúng với những doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp hoạt động ở các thị trường mới nổi. Chất lượng và khả năng tiếp cận dữ liệu về ESG hạn chế khiến cho việc đánh giá chính xác kết quả thực hành ESG của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

          - Xu hướng gia tăng hành vi “tẩy xanh” (greenwashing) và bóp méo sự thật đặt ra những nghi ngại về độ tin cậy của dữ liệu. “Greenwashing” là việc thực hiện hành vi có tính chất lừa dối, làm cho công chúng tin rằng một công ty hay tổ chức đang hành động để bảo vệ môi trường trong khi thực tế không đúng như những gì họ tuyên bố (UN, 2023). Báo cáo của RepRisk (2023) cho thấy một phần tư các vụ việc rủi ro ESG liên quan đến khí hậu trên toàn cầu có liên quan đến “tẩy xanh”, tăng từ tỷ lệ 1/5 của năm trước đó; đồng thời khoảng 1/3 số công ty niêm yết có liên quan đến “tẩy xanh” trong giai đoạn từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2023 cũng liên quan đến hành vi “tô vẽ trách nhiệm xã hội” (social washing) ; số vụ “tẩy xanh” liên quan đến khí hậu trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính cũng tăng 70% so với số liệu 12 tháng trước thời điểm công bố báo cáo (tháng 9/2023). Thực tế này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác thực kết quả thực hành ESG của doanh nghiệp thông qua sự phân tích và chứng nhận độc lập.

Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC

Bài viết liên quan
Giao dịch ký quỹ
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040