Tìm hiểu về ESG: Đầu tư theo các tiêu chí ESG (phần 04)

Nhìn vào lịch sử hình thành khái niệm ESG, có thể thấy ESG ra đời xuất phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư về một công cụ giúp họ đánh giá được các khoản đầu tư tiềm năng trên khía cạnh sinh lời và rủi ro tiềm ẩn gắn liền với khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp mục tiêu cũng như tác động của doanh nghiệp đó đến sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế và toàn xã hội. Sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư đến các nhân tố ESG cho thấy các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong dài hạn của các tổ chức phát hành chứng khoán và do đó cần phải được xem xét đến trong quá trình quyết định đầu tư. Nói một cách khái quát, đầu tư theo các tiêu chí ESG (ESG investing) là phương pháp kết hợp các nhân tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp vào hoạt động phân bổ tài sản và ra quyết định liên quan đến rủi ro nhằm tạo ra kết quả (lợi nhuận) tài chính bền vững và dài hạn (OECD, 2020). Hiểu theo cách này, đầu tư ESG chính là một dạng của đầu tư có trách nhiệm.

Theo cách tiếp cận thông thường, các khoản đầu tư tài chính thuần tuý tìm cách tối đa hoá giá trị của cổ đông và trái chủ (hay người nắm giữ chứng khoán nợ nói chung) thông qua mức sinh lời được đo lường bằng giá trị tài chính tuyệt đối hay giá trị điều chỉnh rủi ro; giả định rằng tính hiệu quả của thị trường vốn sẽ giúp phân bổ các nguồn lực đến những bộ phận/ khu vực của nền kinh tế nơi tối đa hoá được lợi ích và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung. Ở chiều ngược lại, đầu tư mang tính chất xã hội thuần tuý chỉ hướng đến “lợi tức xã hội”, thứ mà nhà đầu tư thu nhận được từ việc đóng góp, tài trợ cho các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là liên quan đến khía cạnh phúc lợi về môi trường và xã hội, bao gồm cả những vấn đề như quyền con người và quyền của người lao động, bình đẳng giới. Nằm giữa hai thái cực này là đầu tư tạo tác động xã hội – tìm cách kết hợp giữa lợi tức xã hội và lợi tức tài chính nhưng việc sắp xếp thứ tự ưu tiên của hai yếu tố này phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng thoả hiệp của nhà đầu tư (đánh đổi yếu tố này lấy yếu tố kia) phù hợp với mục tiêu tổng thể của họ. Cũng hướng tới mục tiêu có phần giống với đầu tư tạo tác động xã hội song đầu tư theo ESG tập trung vào việc tối đa hoá lợi tức (mức sinh lời) tài chính và sử dụng các nhân tố ESG để đánh giá rủi ro cũng như cơ hội, đặc biệt là trong trung và dài hạn. Theo CFAI (2023), đầu tư theo ESG phát triển từ những triết lý đầu tư như đầu tư có trách nhiệm về mặt xã hội (SRI), nhưng quan tâm đến việc tìm kiếm giá trị trong các doanh nghiệp chứ không chỉ dừng ở việc ủng hộ bộ giá trị.

So sánh các phương pháp đầu tư - Nguồn: OECD (2020)

Nghiên cứu cũng cho thấy một số diễn biến gần đây đã góp phần vào sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư theo ESG, khác với đầu tư tạo tác động xã hội và đầu tư tài chính truyền thống. Đó là:

(i) Nhu cầu chung của các đối tượng không phải là nhà đầu tư, nảy sinh từ việc chuyển đổi từ mô hình cổ đông (shareholders) sang mô hình các bên (có lợi ích) liên quan (stakeholders) khiến cho doanh nghiệp không còn chỉ phục vụ duy nhất đối tượng cổ đông nữa. Nhu cầu của các bên liên quan đã khuyến khích việc đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, báo cáo về những vấn đề liên quan đến thực hành tốt và những chuẩn mực không chỉ gắn với lợi tức tài chính ngắn hạn mà được xem là góp phần vào hình thành giá trị dài hạn (thông qua việc củng cố danh tiếng, sự trung thành với thương hiệu và giữ chân người tài).

(ii) Nhu cầu ngày càng lớn hơn của các nhà đầu tư theo hướng tạo tác động xã hội đối với dữ liệu liên quan đến các nhân tố E, S và G, liên quan đến thực hành tốt.

(iii) Nhu cầu của các nhà đầu tư ESG thông qua đầu tư có trách nhiệm để thể hiện một quan điểm có tính bền vững hơn, vừa có thể hưởng lợi từ các yếu tố quản lý rủi ro của ESG vừa phù hợp với các giá trị xã hội.

Các sản phẩm trên thị trường tài chính với mục đích hỗ trợ chuyển đổi để ứng phó biến đổi khí hậu - Nguồn: OECD (2021)

            Trong bối cảnh như vậy, các sản phẩm liên quan đến ESG trên thị trường tài chính cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Lấy ví dụ về vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, một nội dung trong trụ cột môi trường – E – của ESG. Nhiều sản phẩm đã ra đời hỗ trợ việc phân bổ vốn đến các nền kinh tế carbon thấp, phù hợp với quá trình chuyển đối nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng bao gồm các công cụ dành cho tổ chức phát hành, xếp hạng ESG của bên thứ ba cũng như các sản phẩm chỉ số và danh mục đầu tư giúp luận chuyển các dòng vốn có thể sử dụng. Nếu phát huy đúng vai trò của mình, những sản phẩm này có thể cải thiện luồng thông tin, sự hình thành giá, tính hiệu quả và thanh khoản của thị trường trong nỗ lực hỗ trợ việc chuyển đổi. Hình trên mô tả các sản phẩm và thông lệ trên thị trường tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi để ứng phó biến đổi khí hậu.

Nguồn: Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học-SRTC

Bài viết liên quan
Chứng khoán phái sinh
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040