Theo định nghĩa của ESMA (2021), xếp hạng ESG (ESG rating) thể hiện quan điểm về tác động của một tổ chức, nhà phát hành hoặc chứng khoán nợ đến các nhân tố ESG, phù hợp với các thoả thuận quốc tế về (biến đổi) khí hậu hoặc các đặc điểm phát triển bền vững, được đưa ra dựa trên một hệ thống xếp hạng xác định. Công cụ xếp hạng, chấm điểm ESG hay các đánh giá định lượng khác về ESG sử dụng để đo lường các khía cạnh khác nhau, có thể được chia thành hai nhóm chính:
- Xếp hạng rủi ro ESG (ESG risk rating): là dạng phổ biến nhất, đo lường mức độ chịu rủi ro (exposure) ESG của các tổ chức và cách thức quản lý những rủi ro này. Các tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng dạng này gồm MSCI (đánh giá “khả năng chống chịu với các rủi ro ESG dài hạn, có tính trọng yếu đối với ngành”), Sustainanalytics (đánh giá “vị thế chịu rủi ro và việc quản lý các vấn đề ESG trọng yếu ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp”), S&P (đánh giá “mức độ hoạt động của một tổ chức bị tác động bởi các rủi ro và cơ hội liên quan đến ESG”), FTSE Russell (đánh giá “vị thế rủi ro và việc quản lý các vấn đề ESG”).
- Xếp hạng tác động ESG (ESG impact rating): đo lường tác động của tổ chức đến các nhân tố ESG. Các tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng nhóm này gồm Refinitiv (đánh giá “kết quả, các cam kết và hiệu quả thực hiện các nguyên tắc ESG”), Moody’s (đánh giá “sự sẵn sàng và khả năng tích hợp các tiêu chí phát triển bền vững”), ECPI (“đo lường mức độ phát triển bền vững”, Sensefolio (“đánh giá việc thực hiện ESG”), và Inrate (đánh giá “tác động đến môi trường và xã hội”).
Sự khác biệt giữa xếp hạng rủi ro và xếp hạng tác động có thể rất mong manh vì chúng sử dụng những phương pháp tương tự và thường dựa vào những chỉ tiêu (thước đo) giống nhau. Tuỳ vào mục đích khác nhau mà xếp hạng ESG cũng có thể được tiến hành dựa trên dữ liệu thực tế trong quá khứ (backward-looking) hay dựa trên các đánh giá, nhận định về tương lai (forward-looking). Hầu hết đối tượng được xếp hạng ESG hiện nay là doanh nghiệp, song cũng có một vài tổ chức xếp hạng cung cấp dịch vụ đánh giá cho chính quyền địa phương hoặc quốc gia.
*Một số phương pháp xếp hạng ESG
Phương pháp của Moody’s
Phương pháp xếp hạng được dựa trên mô hình với 330 chỉ báo (indicators), phân nhóm theo 6 lĩnh vực và 38 tiêu chí. 38 tiêu chí này được gán tỷ trọng từ 0 đến 3 căn cứ vào tính trọng yếu (mức độ liên quan) của chúng đối với ngành/lĩnh vực.
6 lĩnh vực (nhóm vấn đề) để phân tích ESG gồm: (i) nguồn nhân lực (7 tiêu chí), (ii) môi trường (11 tiêu chí), (iii) quan hệ khách hàng/nhà cung cấp (9 tiêu chí), (iv) quyền con người (4 tiêu chí), (v) cam kết với xã hội (3 tiêu chí), (vi) quản trị (4 tiêu chí).
Tổng điểm ESG của tổ chức phát hành là giá trị bình quân gia quyền của điểm cho các tiêu chí. Xếp hạng ESG của tổ chức phát hành được dựa trên thang xếp hạng tuyệt đối từ 0 đến 100, trong đó điểm cao nhất là 100.
Phương pháp của MSCI
Xếp hạng MSCI được dựa trên 33 vấn đề chính, chia thành 10 chủ đề trong ba trụ cột – E, S và G. “Điểm cuối cùng của công ty điều chỉnh theo ngành” tương ứng với giá trị bình quân gia quyền của 6 đến 10 vấn đề chính cho từng công ty, được tiêu chuẩn hoá và điều chỉnh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Thang xếp hạng được tính từ AAA (điểm cao nhất) đến CCC (điểm thấp nhất).
Trong số 33 vấn đề chính, MSCI đưa ra 6 đến 10 vấn đề cho mỗi công ty. Những vấn đề chính này được xác định theo mối liên quan về mặt môi trường và xã hội cho từng lĩnh vực, từng vị trí địa lý và các hoạt động khác nhau của công ty. Nhân tố quản trị, bao gồm quản trị công ty cũng như hành vi của doanh nghiệp, được đánh giá trên hai khía cạnh này cho tất cả các hoạt động. Với từng vấn đề, những tranh cãi đang diễn ra hoặc từng xuất hiện trong 3 năm trước đó cũng có thể dẫn đến việc bị trừ điểm.
Nguồn: Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học - SRTC