Tìm hiểu các trụ cột của quỹ hưu trí

Năm 1994, Ngân hàng thế giới đã giới thiệu hệ thống hưu trí đa trụ cột trong Báo cáo “Averting the Old Age Crisis”, theo đó, hệ thống hưu trí gồm 3 trụ cột (I, II và III). Tuy nhiên, đến năm 2005, Ngân hàng thế giới bổ sung thêm hai trụ cột 0 và IV. Hệ thống hưu trí đa trụ cột được áp dụng rộng rãi tại các nền kinh tế lớn ở phương Tây và châu Á, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Thái Lan. Mục tiêu của hệ thống đa trụ cột là tách bạch các mục tiêu chính của chương trình hưu trí.


Trụ cột 0 (Zero Pillar) bao gồm các quỹ trợ cấp xóa đói giảm nghèo. Các quỹ này chủ yếu hình thành từ ngân sách nhà nước, và người được hưởng lợi bao gồm cả những người làm việc ở khu vực kinh tế xám (informal sector). Các quỹ này chịu sự quản lý của nhà nước, tuy nhiên không cần có những quy định pháp luật chuyên ngành.

Hệ thống hưu trí đa trụ cột

 


Trụ cột I (First Pillar) là quỹ hưu trí bắt buộc do nhà nước quản lý, gọi tắt là quỹ hưu trí bắt buộc (mandatory publicly managed pensions). Tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội có thể coi là trụ cột số 1 của hệ thống an sinh xã hội theo chuẩn quốc tế. Quỹ này hình thành chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và có thể được bổ sung thêm từ ngân sách nhà nước. Quỹ hưu trí bắt buộc cũng do nhà nước quản lý, thông qua một tổ chức riêng, tuy nhiên, hoạt động quản trị, đầu tư của quỹ cũng không bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chuyên ngành. Quỹ hưu trí bắt buộc vận hành theo cơ chế thực thu thực chi (Pay As You Go - PAYG), theo đó, nguồn thanh toán lương hưu được trích từ các khoản đóng góp của những người đang lao động. Có nghĩa là thế hệ người lao động hiện tại thanh toán trợ cấp hưu trí cho người đã nghỉ hưu. Như vậy, trong cơ cấu quỹ này, không có nguồn dành riêng để chi trả cho thế hệ hưu trí trong tương lai, nói cách khác, đây là loại hình quỹ không được cấp vốn - unfunded funds

Do quỹ hưu trí bắt buộc được Nhà nước quản lý và hỗ trợ kinh phí, vì vậy, người lao động có thể được hưởng chế độ ngay sau khi về hưu. Điểm đặc biệt quan trọng là quỹ này có chức năng phân phối lại thu nhập (redistribution), cụ thể bảo đảm trợ cấp tối thiểu cho người có thu nhập thấp, trợ cấp thất nghiệp, mất sức. Tuy nhiên, đây là loại hình quỹ có mức hưởng lợi xác định dựa trên thu nhập (Defined Benefits), vì vậy,  quỹ luôn chịu gánh nặng chi trả lớn và tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính (vỡ quỹ). Tình trạng mất cân đối tài chính của quỹ dạng này có nhiều nguyên nhân, đặc biệt khi dân số già hóa, số lượng người đóng bảo hiểm ít hơn số người hưởng lương hưu.


Trụ cột II (Second Pillar) là quỹ hưu trí bắt buộc do tư nhân quản lý, gọi tắt là quỹ bổ sung (mandatory private managed pensions; provident fund). Quỹ được hình thành chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và từ người lao động. Tuy nhiên, quỹ này do khu vực tư nhân tự quản lý (thông qua các công ty quản lý quỹ), và chịu sự điều chỉnh, quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước. Các quỹ hưu trí bắt buộc bổ sung hiện nay thường có dạng quỹ có mức đóng góp xác định (Defined Contribution), theo đó, trợ cấp hưu trí mà người tham gia hưu trí nhận được phụ thuộc vào mức đóng góp và lợi nhuận đầu tư. Do quỹ này không có chức năng phân phối lại thu nhập. Vì vậy, trợ cấp hưu trí từ những quỹ của trụ cột II rất có thể không bảo đảm mức sống đối với những người có thu nhập thấp và mức đóng góp thấp, hoặc do lợi nhuận đầu tư thấp vì các nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế kéo dài, khủng hoảng tài chính làm thất thoát các khoản đầu tư. Nhìn chung, quỹ hưu trí bắt buộc bổ sung có thể được coi như một dạng tiết kiệm bắt buộc (compulsory saving) mà Nhà nước yêu cầu người hưởng lương hưu phải thực hiện trong quá trình lao động.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các quỹ hưu trí bắt buộc bổ sung chỉ là nguồn tài chính hỗ trợ thêm cho người hưởng lương hưu bên cạnh khoản lương nhận thanh toán từ các quỹ hưu trí bắt buộc tại trụ cột I. Cùng với quỹ hưu trí bắt buộc tại trụ cột I, các quỹ hưu trí bắt buộc bổ sung góp phần làm tăng thu nhập của người lao động sau khi nghỉ hưu. Điểm đặc biệt của quỹ hưu trí bắt buộc bổ sung, là người tham gia hệ thống này sẽ được hưởng lợi tức và nhận thanh toán từ chính các khoản tiền đóng góp của mình, chứ không phải của những người đang lao động. Các khoản đóng góp được đầu tư vào thị trường vốn cho đến khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu. Các khoản đóng góp và thu nhập, lợi tức đầu tư đều được hạch toán riêng biệt vào tài khoản lương hưu của từng người tham gia. 


Trụ cột III (Third Pillar) là quỹ hưu trí tự nguyện  (voluntary pensions). Quỹ này chủ yếu do người lao động đóng góp, tuy nhiên cũng có thể có đóng góp thêm từ người sử dụng lao động. Quỹ này hoàn toàn do người lao động quyết định về mức đóng góp, và quản lý bởi các công ty quản lý quỹ. Hoạt động của quỹ này chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định pháp luật và cơ quan quản lý giống như các quỹ đầu tư. Bản chất của quỹ này gần như dạng đầu tư tài chính thông thường, nhưng được khuyến khích bởi chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước, với mục tiêu, cùng với quỹ hưu trí bắt buộc và quỹ hưu trí bổ sung, quỹ hưu trí tự nguyện sẽ góp phần làm giảm gánh nặng của nhà nước trong hoạt động bảo đảm an sinh xã hội. Quỹ hưu trí tự nguyện nhìn chung không bao gồm bảo hiểm, trợ cấp y tế, tai nạn nghề nghiệp…


Trụ cột IV (Fourth Pillar) là các khoản đóng góp, trợ cấp không hình thành quỹ lương hưu, ví dụ các hình thức viện trợ, phong trào đền ơn đáp nghĩa, các quỹ từ thiện….

Nhìn chung, mỗi trụ cột có những ưu điểm và hạn chế riêng, tuy nhiên, một hệ thống an sinh xã hội được coi là hoàn chỉnh khi nó dựa trên tất cả các trụ cột này, và các trụ cột này có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng lương, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới đã và đang nỗ lực quảng bá, hỗ trợ nhiều quốc gia cải cách hệ thống an sinh xã hội, theo hướng dựa trên tối thiểu ba trụ cột căn bản: quỹ hưu trí bắt buộc (trụ cột I), quỹ hưu trí bổ sung (trụ cột II) và quỹ hưu trí tự nguyện (trụ cột III). Ngoài ra, do đặc tính của trụ cột 0 và trụ cột IV không hoàn toàn thuần túy là hệ thống các quỹ và vai trò của hai trụ cột này không thực sự trọng yếu.

Bài viết liên quan
Phân tích kỹ thuật
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040