Quỹ mở: Phần 2


Ưu điểm của quỹ mở:

Quỹ mở có những ưu điểm đặc trưng của hình thức đầu tư tập thể, cụ thể là.

- Sự quản lý chuyên nghiệp: tiền của nhà đầu tư vào quỹ được quản lý bởi các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm. Hơn nữa, so với các nhà đầu tư cá nhân, công ty quản lý quỹ cũng có lợi thế lớn hơn nhiều về nguồn lực dành cho việc phân tích, lựa chọn, xây dựng danh mục đầu tư nhằm đạt được các mục tiêu nhất định về mức sinh lời và rủi ro.

- Sự đa dạng hóa: Khi tiền vốn của nhiều nhà đầu tư được tập hợp lại, quy mô vốn của một quỹ đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều so với khả năng tài chính của những nhà đầu tư đơn lẻ. Do vậy, quỹ có thể cùng lúc đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau, thậm chí là vào nhiều công cụ khác nhau trong cùng một nhóm loại tài sản – điều này không dễ thực hiện với nhà đầu tư cá nhân do bị hạn chế về lượng vốn. Việc nắm giữ danh mục đầu tư đa dạng hóa như vậy giúp hạn chế rủi ro một cách hiệu quả, đặc biệt là các rủi ro cá biệt.

- Phù hợp với nhà đầu tư có nguồn lực hạn chế: nhà đầu tư cá nhân thường có nguồn vốn hạn chế và khó thực hiện được việc đa dạng hóa đầu tư. Tuy nhiên, thông qua việc nắm giữ chứng chỉ quỹ đầu tư, nhà đầu tư gián tiếp được sở hữu các tài sản, chứng khoán trong danh mục đầu tư của quỹ.

Bên cạnh đó, với những đặc trưng riêng có của quỹ mở, việc đầu tư vào quỹ mở có thể mang lại cho nhà đầu tư một số lợi thế khác, cụ thể như:

- Kỳ hạn đầu tư dài: quỹ mở không bị hạn chế về thời hạn hoạt động nên có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn của nhà đầu tư. Điều này có thể mang lại mức sinh lời cao hơn và hạn chế rủi ro từ những biến động mang tính chu kỳ của thị trường chứng khoán.

- Tính thanh khoản: nhà đầu tư có thể mua hoặc bán chứng chỉ quỹ trực tiếp với công ty quản lý quỹ theo định kỳ. Theo đó, nhu cầu góp vốn hay rút vốn của nhà đầu tư không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thanh khoản trên thị trường. Hơn nữa, chứng chỉ quỹ mở thường được giao dịch theo giá trị tài sản ròng nên nhà đầu tư tránh được thiệt hại so với trường hợp chứng chỉ quỹ đóng được giao dịch ở mức chiết khấu thấp hơn giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ.


Các nguồn lợi tức tiềm năng của người đầu tư:

Khi mua chứng chỉ quỹ mở, nhà đầu tư gián tiếp sở hữu những tài sản trong danh mục đầu tư của quỹ và lợi ích được hưởng tỉ lệ thuận với số chứng chỉ quỹ nhà đầu tư nắm giữ. Lợi nhuận mà quỹ sử dụng để phân phối cho nhà đầu tư có thể được hình thành từ những nguồn sau:

- Thu nhập đầu tư: hình thành từ cổ tức và tiền lãi mà các tài sản trong danh mục đầu tư của quỹ mang lại.

- Lãi vốn: được tạo ra khi quỹ bán các chứng khoán trong danh mục đang nắm giữ.

- Khoản thu nhập ròng chưa được phân phối: khoản tăng (hoặc giảm) giá trị tài sản ròng (NAV) phản ánh sự tăng giá hoặc giảm giá tài sản nắm giữ của quỹ.

- Lợi nhuận từ việc tái đầu tư các khoản thu nhập của quỹ.


Lưu ý đối với nhà đầu tư:

- Mục tiêu đầu tư: Nhà đầu tư cần xem xét, nghiên cứu mục tiêu và chính sách đầu tư của các quỹ đầu tư mở để lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp với mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro của cá nhân.

- Mỗi quỹ mở có tính chất rủi ro riêng, được xác định bởi các loại tài sản mà quỹ nắm giữ. Nhìn chung, quỹ mở đầu tư vào trái phiếu chính phủ có rủi ro thấp hơn so với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và đầu tư cổ phiếu do rủi ro tín dụng của trái phiếu chính phủ là rất thấp.

- Để đáp ứng nhu cầu mua/ bán lại chứng chỉ quỹ liên tục của nhà đầu tư, quỹ mở luôn phải dự phòng lượng tiền nhất định, hoặc duy trì khoản đầu tư vào những công cụ tài chính có tính thanh khoản cao. Đặc điểm này có thể phần nào hạn chế tỷ trọng nắm giữ những tài sản có thời hạn đầu tư dài hoặc có mức độ rủi ro cao hơn, cũng có nghĩa sẽ ảnh hưởng đến mức sinh lời đầu tư của quỹ.

- Khi lựa chọn quỹ đầu tư, chi phí là môt yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần xem xét trước khi đưa ra quyết định. Một số loại chi phí cơ bản có thể phát sinh khi đầu tư vào quỹ mở bao gồm:

Phí phát hành

  • Phí mà nhà đầu tư trả cho công ty quản lý khi đăng ký mua chứng chỉ quỹ, không vượt quá 5% giá trị giao dịch.

Phí mua lại

  • Phí mà nhà đầu tư trả cho công ty quản lý khi bán lại chứng chỉ quỹ (thoái vốn khỏi quỹ), không vượt quá 3% giá trị giao dịch.

Phí chuyển đổi

  • Phí nhà đầu tư trả cho công ty quản lý quỹ khi chuyển đổi khoản đầu tư từ quỹ này sang quỹ khác thuộc sự quản lý của cùng một công ty quản lý quỹ, không quá 3% giá trị giao dịch.

- Các chi phí hoạt động của quỹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của quỹ, và kéo theo đó là thu nhập phân phối cho nhà đầu tư. Chi phí hoạt động của quỹ bao gồm phí quản lý tài sản, phí lưu ký và giám sát hoạt động của quỹ, phí dịch vụ quản trị quỹ, phí dịch vụ đại lý chuyển nhượng, quản lý cổ đông…

- Do quá trình hoạt động của quỹ mở gắn liền với sự thay đổi liên tục của dòng vốn đầu tư, việc mua/bán các tài sản trong danh mục đầu tư của quỹ cũng diễn ra thường xuyên hơn. Thực tế này có thể làm tăng chi phí của quỹ (chi phí giao dịch), qua đó ảnh hưởng đến mức sinh lời.

- Để mua/bán chứng chỉ quỹ mở, nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản giao dịch (tài khoản đứng tên chủ sở hữu là nhà đầu tư, hoặc tiểu khoản giao dịch trên tài khoản đứng tên của đại lý) và đăng ký mua/bán chứng chỉ quỹ tại đại lý phân phối, công ty quản lý quỹ hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan.

- Khi lựa chọn quỹ mở, nhà đầu có thể tham khảo hiệu quả đầu tư trong quá khứ của quỹ mở và các thông tin liên quan khác được cung cấp trong bản cáo bạch và các báo cáo định kỳ. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng kết quả hoạt động của quỹ trong quá khứ chỉ là thông tin mang tính tham khảo và không phải là chỉ báo chính xác cho kết quả sẽ thu được trong tương lai.

Bài viết liên quan
Cổ phiếu
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040