Quỹ mở: Phần 1


Quỹ mở là gì?

Quỹ mở là một loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Theo đó, quỹ được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, và nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Đối với quỹ mở, chứng chỉ quỹ sau khi đã phát hành ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư.


Quỹ mở có những đặc điểm cơ bản như sau:

- Sau đợt phát hành lần đầu ra công chúng, quỹ mở có thể phát hành và mua lại chứng chỉ quỹ không giới hạn. Quỹ có nghĩa vụ mua lại chứng chỉ khi nhà đầu tư có nhu cầu bán.

- Chứng chỉ quỹ được giao dịch trực tiếp qua công ty quản lý quỹ hay qua đại lý. Hoạt động giao dịch chứng chỉ quỹ được tổ chức định kỳ theo quy định tại điều lệ quỹ và nội dung công bố trong bản cáo bạch (đảm bảo tối thiểu hai lần trong một tháng theo quy định hiện hành).

- Chứng chỉ quỹ được mua/bán theo giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một chứng chỉ quỹ; theo đó, giá giao dịch không bị tác động bởi yếu tố cung - cầu thị trường.

- Quỹ mở thường không bị giới hạn về thời hạn hoạt động.

So sánh giữa quỹ mở với một loại hình quỹ đầu tư khác là quỹ đóng, có thể thấy một số điểm khác biệt như sau:

 

Đặc điểm

Quỹ mở

Quỹ đóng

Niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán

Không

Số lượng chứng chỉ quỹ

Tăng hoặc giảm liên tục

Ít khi tăng, giảm

Thời hạn hoạt động của quỹ

Không giới hạn

Có giới hạn

(Quy định trong bản cáo bạch)

Giao dịch chứng chỉ quỹ

Liên tục, không chia thành đợt.

Quỹ huy động vốn theo đợt.

Giá giao dịch

Xác định theo giá trị tài sản ròng (NAV) của một chứng chỉ quỹ tại thời điểm giao dịch

Giá của chứng chỉ quỹ được xác định theo cung cầu trên thị trường

Quy mô vốn

Quy mô vốn có thể thay đổi đáng kể do giao dịch liên tục của nhà đầu tư

Quy mô vốn ổn định, giữ nguyên cho đến ngày đáo hạn

Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt

Khoản dự trữ tiền mặt phải đủ để đáp ứng việc mua lại chứng chỉ quỹ theo yêu cầu của nhà đầu tư

Thấp hơn so với quỹ mở vì không chịu áp lực về thanh khoản


Các đối tượng tham gia vào hoạt động của quỹ mở

Nhà đầu tư có quyền lựa chọn các loại tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ sau:

- Tài khoản của chính mình, đứng tên chủ sở hữu là nhà đầu tư (gọi tắt là tài khoản của nhà đầu tư);

- Tiểu khoản giao dịch trên tài khoản đứng tên của đại lý ký danh (gọi tắt là tiểu khoản của nhà đầu tư).

Đại lý phân phối cập nhật thông tin về các hoạt động mở, đóng tài khoản của nhà đầu tư cho công ty quản lý quỹ hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan.

Đại lý ký danh mở, quản lý tiểu khoản giao dịch độc lập, tách biệt tới từng nhà đầu tư, và có trách nhiệm cập nhật thông tin mở, đóng các tiểu khoản cho công ty quản lý quỹ hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan.

Đại lý phân phối và đại lý ký danh có trách nhiệm cập nhật thông tin mở, đóng của các tài khoản và tiểu khoản cho công ty quản lý quỹ hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan. Công ty quản lý quỹ hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan phải mở, quản lý tài khoản độc lập, tách biệt tới từng đại lý ký danh và từng nhà đầu tư.

Công ty quản lý quỹ tổ chức giao dịch chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư, cập nhật đầy đủ thông tin về sở hữu sau giao dịch cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, hoạt động của quỹ mở còn có sự tham gia của ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, được công ty quản lý quỹ lựa chọn để thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ.


Mua chứng chỉ quỹ (đầu tư vào quỹ)

*Quỹ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO):

- Sau khi được cấp phép, công ty quản lý quỹ phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng. Thời gian cho một đợt phát hành được quy định tối đa là 90 ngày.

- Giá phát hành lần đầu ra công chúng của một đơn vị quỹ được quy định tại điều lệ quỹ và được công bố tại bản cáo bạch của quỹ. Giá phát hành bao gồm giá phát hành lần đầu + phí phát hành (nếu có)

- Các nhà đầu tư đăng ký mở tài khoản giao dịch và mua chứng chỉ quỹ thông qua các đại lý phân phối quỹ được chỉ định – là các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, ngân hàng lưu ký, công ty bảo hiểm đã đăng ký hoạt động này theo luật định.

- Vào cuối đợt IPO, nhà đầu tư được xác nhận sở hữu số lượng chứng chỉ quỹ đã đăng ký mua thành công.

*Quỹ chào bán tiếp theo sau đợt IPO

- Chứng chỉ quỹ mở được phát hành đều đặn ra thị trường cho các nhà đầu tư. Giá bán một đơn vị quỹ bằng giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ tính tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ cộng với chi phí phát hành (nếu có).

- Các nhà đầu tư tiếp tục mua chứng chỉ quỹ thông qua các đại lý phân phối được chỉ định.

- Hoạt động giao dịch chứng chỉ quỹ mở phải được tổ chức định kỳ, theo quy định tại điều lệ quỹ và công bố tại bản cáo bạch, ít nhất là 02 lần trong một tháng


Bán lại chứng chỉ quỹ (rút vốn khỏi quỹ)

- Theo luật định, công ty quản lý quỹ phải thay mặt quỹ mua lại chứng chỉ quỹ mở khi các nhà đầu tư có nhu cầu bán lại.

- Giá mua lại một đơn vị quỹ, tức là mức giá mà công ty phải thanh toán cho nhà đầu tư, được xác định bằng giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ tính tại ngày giao dịch chứng chỉ quỹ, trừ đi phí mua lại (nếu có).

- Các nhà đầu tư đăng ký bán chứng chỉ quỹ thông qua các đại lý phân phối nơi họ mở tài khoản giao dịch. Quỹ sẽ mua lại chứng chỉ quỹ theo quy định trong điều lệ quỹ, ít nhất 02 lần trong một tháng.

- Thời hạn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại điều lệ quỹ và đã được công bố tại bản cáo bạch, nhưng không quá 07 ngày, kể từ ngày giao dịch chứng chỉ quỹ.


Xác định giá trị tài sản ròng (NAV)

Với quỹ mở, chứng chỉ quỹ không được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, nên giá mua/bán chứng chỉ quỹ không phụ thuộc vào yếu tố cung - cầu trên thị trường. Chứng chỉ quỹ mở thường giao dịch theo giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ. Giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) được xác định bằng tổng giá trị tài sản và các khoản đầu tư do quỹ sở hữu trừ đi các nghĩa vụ nợ có liên quan (bao gồm phí quản lý, phí giám sát, phí lưu ký, các phí dịch vụ và các phí hoạt động khác) tại ngày trước ngày định giá.

Giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản có của quỹ - Tổng nợ phải trả của quỹ

Giá trị tài sản ròng của một chứng chỉ quỹ = Giá trị tài sản ròng/Tổng số lượng CCQ  lưu hành

 

- Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xác định giá trị tài sản ròng của quỹ và giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ. Giá trị tài sản ròng của quỹ được xác định ít nhất 02 lần trong một tháng.

- Phương pháp xác định giá trị thị trường, giá trị hợp lý các tài sản có trong danh mục, giá trị các nghĩa vụ nợ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc quy định nội bộ tại sổ tay định giá (do Ban đại diện quỹ phê duyệt) và quy định pháp luật.

- Danh sách của tối thiểu 03 tổ chức cung cấp báo giá, không phải là người có liên quan của công ty quản lý quỹ và  ngân hàng giám sát, phải được Ban đại diện quỹ thông qua.

- Giá trị tài sản ròng của quỹ, giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ. Tần suất công bố thông tin: hàng tuần, từ 1 đến 3 ngày sau ngày giao dịch (T+1 tới T+3)

Bài viết liên quan
Mua bán và sáp nhập
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040