Quỹ ETF: Cơ chế hoạt động, ưu nhược điểm và một số lưu ý


Cơ chế hoạt động quỹ ETF

*Giao dịch hoán đổi với quỹ - Phát hành/Mua lại chứng chỉ quỹ (Giao dịch trên thị trường sơ cấp)

B1: Nhà đầu tư có đủ danh mục chứng khoán cơ cấu (lô chứng chỉ quỹ) đặt lệnh thông qua thành viên lập quỹ/ đại lý phân phối, đồng thời nộp tiền chênh lệch (nếu có) vào tài khoản phong tỏa của quỹ ETF tại ngân hàng giám sát.

B2: Đại lý phân phối gửi lệnh đến thành viên lập quỹ (trường hợp đại lý phân phối không phải là thành viên lập quỹ)

B3: Thành viên lập quỹ gửi lệnh giao dịch đến quỹ

B4:  Đại lý nhận danh mục chứng khoán cơ cấu (lô chứng chỉ quỹ) và chuyển lô chứng chỉ quỹ (danh mục chứng khoán cơ cấu) vào tài khoản của nhà đầu tư. Đây chính là quá trình phát hành (mua lại) chứng chỉ quỹ ETF.

*Giao dịch trên thị trường thứ cấp

Việc thực hiện giao dịch chứng chỉ quỹ trên thị trường thứ cấp tương tự việc mua bán các cổ phiếu thông thường.

- Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán

- Nhà đầu tư đặt lệnh tại công ty chứng khoán nơi mở tài khoản

- Nhà đầu tư thực hiện thanh toán (tiền hoặc chứng chỉ quỹ ETF) cho giao dịch mua/bán đã được khớp lệnh thành công.

 

Sơ đồ tổng thể mô tả cơ chế hoạt động của quỹ ETF:

*Cơ chế giao dịch hạn chế chênh lệch giá chứng chỉ quỹ ETF

Giao dịch hạn chế chêch lệch giá (arbitrage) giúp giữ cho giá thị trường của chứng chỉ quỹ ETF (vốn là yếu tố do cung – cầu quyết định) gần bằng với NAV của nó. Giao dịch này đòi hỏi tiến hành việc mua và bán đồng thời trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. 

- Nếu giá chứng chỉ quỹ ETF cao hơn NAV của một chứng chỉ quỹ: mua danh mục chứng khoán cơ cấu và thực hiện hoán đổi lấy chứng chỉ quỹ ETF, đồng thời bán chứng chỉ quỹ trên thị trường thứ cấp để kiếm lợi nhuận.

- Nếu giá chứng chỉ quỹ ETF thấp hơn NAV của một chứng chỉ quỹ: mua (cho đủ lô) chứng chỉ quỹ ETF và thực hiện hoán đổi lấy rổ chứng khoán cơ cấu, đồng thời bán các chứng khoán trong danh mục nhận được để kiếm lợi nhuận.

Hoạt động này diễn ra khiến cho giá chứng chỉ quỹ ETF nhanh chóng  điều chỉnh về quanh mức NAV của chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, giao dịch hạn chế chênh lệch giá thường chỉ có khả năng thực hiện với thành viên lập quỹ và tổ chức tạo lập thị trường, không phải với nhà đầu tư cá nhân.


Ưu điểm của quỹ ETF

Tiền của nhà đầu tư được quản lý một cách chuyên nghiệp (bởi công ty quản lý quỹ).

Chứng chỉ quỹ ETF là công cụ có tính thanh khoản cao hơn so với quỹ mở do được niêm yết và giao dịch hàng ngày trên sở giao dịch chứng khoán, đồng thời có khả năng khắc phục được hiện tượng giao dịch ở mức chiết khấu so với NAV vốn là hạn chế của quỹ đóng.

Quỹ được quản lý theo kiểu thụ động (mô phỏng và bám theo một chỉ số tham chiếu) nên chi phí quản lý thấp hơn so với các quỹ quản lý chủ động.

Tính minh bạch cao, thể hiện ở các quy định về công bố thông tin đối với danh mục đầu tư của quỹ và các thông tin giao dịch khác.

Sự đa dạng hóa đầu tư, gắn liền với việc tài sản của quỹ gồm các chứng khoán cấu thành một danh mục tham chiếu cụ thể. Nhà đầu tư vào quỹ ETF do đó có quyền sở hữu đối với các chứng khoán trong danh mục (theo tỷ lệ vốn góp của mình).


Nhược điểm

Rủi ro thị trường: quỹ ETF đầu tư vào một danh mục chứng khoán mô phỏng danh mục tham chiếu. Vì vậy, biến động giá của các chứng khoán trong danh mục, hay nói chung là biến động của chỉ số tham chiếu cũng sẽ gây ra sự tăng, giảm giá trị của quỹ

Danh mục đầu tư của quỹ ETF có thể sai lệch so với danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số tham chiếu (vì những lý do khác nhau như kỹ thuật mô phỏng chỉ số, biến động giá của các chứng khoán trong danh mục). Điều này khiến cho mức sinh lời của quỹ chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) so với mức sinh lời của chỉ số tham chiếu. Đối với nhà đầu tư vào quỹ ETF, sai lệch so với chỉ số tham chiếu (tracking error) này là một yếu tố rủi ro tiềm ẩn.


Một số lưu ý đối với nhà đầu tư

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư và thành viên lập quỹ thực hiện các giao dịch hoán đổi theo lô chứng chỉ quỹ. Một lô chứng chỉ quỹ gồm 100.000 chứng chỉ quỹ ETF, mệnh giá mỗi chứng chỉ quỹ là 10.000 đ

Trên thị trường thứ cấp:

+  Đơn vị giao dịch lô chẵn tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) là 100 chứng chỉ quỹ, tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HSX) là 10 chứng chỉ quỹ.

+ Chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

+ Biên độ giao động giá và các loại lệnh giao dịch đối với chứng chỉ quỹ ETF áp dụng tương tự như cổ phiếu ở trên cả 2 sàn giao dịch chứng khoán HNX và HSX

Chi phí là một điều nhà đầu tư cần xem xét khi tham gia đầu tư trên thị trường quỹ ETF, trong đó cần chú ý những yếu tố như tỷ lệ chi phí hoạt động, chi phí giao dịch (bao gồm cả chênh lệch giá chào bán – giá chào mua do tổ chức tạo lập thị trường yết), sai lệch so với chỉ số tham chiếu.

Bài viết liên quan
Một số vấn đề cần lưu ý khi đầu tư
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040