Chứng quyền có bảo đảm: Lợi ích, rủi ro và lưu ý khi đầu tư chứng quyền có bảo đảm


Chứng quyền có bảo đảm có gì khác với chứng quyền cổ phiếu?

Trên thị trường chứng khoán, đôi khi nhà đầu tư có thể nghe nói về sản phẩm chứng quyền do các công ty cổ phần phát hành. Chứng quyền trong trường hợp này, hay gọi một cách đầy đủ là chứng quyền cổ phiếu, là quyền được mua cổ phiếu thường của một doanh nghiệp và được chính doanh nghiệp đó phát hành (thường là kèm theo các công cụ tài chính khác như trái phiếu hay cổ phiếu ưu đãi nhằm làm tăng tính hấp dẫn và/hoặc giảm chi phí vốn cho những công cụ đó). Vậy chứng quyền có bảo đảm mà chúng ta đang tìm hiểu có điểm gì khác so với loại chứng quyền cổ phiếu này? Bảng sau đây sẽ tóm tắt những điểm khác biệt đáng chú ý giữa hai công cụ. 

Tiêu chí so sánh

Chứng quyền cổ phiếu

Chứng quyền có bảo đảm

Tổ chức phát hành

Công ty cổ phần (công ty phát hành cổ phiếu cơ sở)

Tổ chức độc lập với công ty phát hành cổ phiếu cơ sở: công ty chứng khoán

Mục đích phát hành

Thường để hỗ trợ đợt huy động vốn của công ty phát hành (phát hành kèm trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi)

Cung cấp một công cụ phục vụ mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận hay phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư.

Tài sản cơ sở

Cổ phiếu đơn lẻ

Có thể là cổ phiếu đơn lẻ, hay rổ cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu...

Loại hình

Chứng quyền mua

Chứng quyền mua/ Chứng quyền bán

Quyền của người sở hữu/nắm giữ

Quyền mua cổ phiếu mới phát hành của công ty cổ phần với giá xác định

Quyền mua tài sản cơ sở với giá cố định (chứng quyền mua) hoặc quyền  bán tài sản cơ sở với giá cố định (chứng quyền bán).

Tác động từ việc thực hiện quyền

Công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu mới và bán cho người nắm giữ chứng quyền với mức giá đã ấn định. Theo đó, sau khi quyền (mua cổ phiếu của người nắm giữ chứng quyền) được thực hiện, tổng số cổ phiếu đang lưu hành sẽ tăng lên, lượng vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành cũng tăng lên.

 

Việc nhà đầu tư thực hiện quyền mua hay bán tài sản cơ sở của chứng quyền hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến số lượng cổ phiếu đang lưu hành do cổ phiếu được dùng để chuyển giao giữa các bên (trong trường hợp chứng quyền thanh toán bằng chuyển giao vật chất) được lấy từ số cổ phiếu sẵn có đang lưu hành trên thị trường.

Phương thức thanh toán

Chuyển giao cổ phiếu và tiền (tổ chức phát hành phát hành thêm cổ phiếu để bán cho nhà đầu tư)

Thanh toán bằng chuyển giao vật chất hoặc thanh toán (bù trừ) bằng tiền.

 


Lợi ích của việc sử dụng chứng quyền có bảo đảm

Chứng quyền có bảo đảm là một công cụ có nhiều lợi ích, trong đó có thể kể đến một số điểm nổi trội như:

Tăng hiệu quả (mức sinh lời) đầu tư thông qua đòn bẩy tài chính: chứng quyền có bảo đảm đem lại cho nhà đầu tư cơ hội nắm giữ hoặc tìm kiếm lợi nhuận từ tài sản cơ sở trong tương lai mà không cần phải bỏ ra toàn bộ số tiền bằng giá thị trường của tài sản đó ngày hôm nay. Ví dụ, thay vì mua 1 cổ phiếu XYZ với giá 50.000 đồng, nắm giữ trong một tháng và thu lợi nhuận 5.000 đồng do giá cổ phiếu tăng lên 55.000 đồng (tương ứng mức sinh lời 10% = 5.000/50.000), nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra, ví dụ 3.000 đồng để mua chứng quyền mua có bảo đảm đối với cổ phiếu XYZ, giá thực hiện 50.000 đồng và thời gian đáo hạn 1 tháng vào ngày hôm nay. Lợi nhuận thu được từ chứng quyền này (giả sử với giá thị trường khi đó là 55.000 đồng/cổ phiếu) là 2.000 đồng (= 55.000 – 50.000 – 3.000), tương ứng với mức sinh lời 67% (=2.000/3.000). Mức sinh lời cao hơn rất nhiều so với giao dịch trên thị trường cơ sở này chính là kết quả có được từ đòn bẩy tài chính khi sử dụng chứng quyền mua có bảo đảm.

Là một công cụ phòng ngừa rủi ro trước biến động bất lợi của thị trường: nếu nhà đầu tư lo ngại bị tác động tiêu cực bởi sự giảm giá tài sản trên thị trường, chứng quyền có bảo đảm có thể là một phương tiện giúp giảm thiểu tác động đó. Bằng việc mua chứng quyền bán có bảo đảm chẳng hạn, nhà đầu tư có thể cố định giá bán tài sản cơ sở trong tương lai, hoặc sử dụng giá trị chênh lệch mang lại từ chứng quyền bán đó (khi giá giảm) để bù đắp cho khoản thua lỗ thực sự phải chịu khi sở hữu tài sản.

Cố định khoản lỗ tối đa: khi nắm giữ chứng quyền có bảo đảm, khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư phải chịu là phí mua chứng quyền. Trong trường hợp xấu nhất là giá tài sản cơ sở biến động không đúng với kỳ vọng của nhà đầu tư, họ chỉ cần bỏ không thực hiện quyền (để mua hoặc bán tài sản theo giá cố định) và sẽ không phải chi trả thêm gì nữa ngoại trừ khoản phí đã trả ban đầu. 

Giao dịch và thanh toán dễ dàng: chứng quyền có bảo đảm tuy mang đặc điểm của một sản phẩm phái sinh nhưng được giao dịch như một cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư có thể sử dụng chính tài khoản giao dịch thông thường để mua/ bán chứng quyền có bảo đảm. Ngoài ra, các quy định về thời gian, phương thức giao dịch, thanh toán, … đều được Sở GDCK quy định chuẩn hóa và rõ ràng nên nhà đầu tư có thể tìm hiểu về sản phẩm và tham gia giao dịch một cách dễ dàng.


Rủi ro tiềm ẩn

Gia tăng mức độ thua lỗ do tác động ngược của đòn bẩy tài chính: Đòn bẩy tài chính là một con dao hai lưỡi đối với nhà đầu tư. Chi phí vốn ban đầu thấp (do phí mua chứng quyền khá nhỏ so với giá thị trường của tài sản cơ sở) khiến cho mức sinh lời mà công cụ này mang lại cho nhà đầu tư được gia tăng rất mạnh nếu thị trường diễn biến đúng như kỳ vọng của họ. Tuy nhiên, nếu thực tế thị trường không như dự đoán, thua lỗ là điều chắc chắn xảy ra và trong trường hợp đó, nhà đầu tư có khả năng mất toàn bộ số vốn đầu tư ban đầu (chính là số tiền đã bỏ ra để mua chứng quyền). 

 Rủi ro biến động giá: giống như tài sản cơ sở, giá chứng quyền có bảo đảm cũng thường xuyên thay đổi và chịu tác động từ nhiều yếu tố như lãi suất, cổ tức (với tài sản cơ sở là cổ phiếu), cung – cầu,… Điều này khiến cho chênh lệch giá chứng quyền giữa các thời điểm mua và bán của nhà đầu tư không phải lúc nào cũng tạo ra lợi nhuận. Ngoài ra, việc giá tài sản cơ sở cũng là yếu tố biến động, thậm chí biến động trái ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư, dẫn đến thực tế là chứng quyền có thể vô giá trị và không được thực hiện khi đáo hạn, hoặc nếu được thực hiện cũng không chắc đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Vòng đời giới hạn: Một trong những đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm là quyền (mua hoặc bán tài sản cơ sở) của người nắm giữ công cụ này chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định (thường phổ biến là từ 3 tháng đến 2 năm). Sau ngày đáo hạn, chứng quyền sẽ không được giao dịch và quyền (mua/bán tài sản cơ sở) không còn giá trị nữa. Vì vậy, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ khi sử dụng chứng quyền do biến động giá bất lợi trong thời gian này, mặc dù giá tài sản cơ sở có thể hồi phục ngay sau đó.

Rủi ro từ tổ chức phát hành: tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm là bên có nghĩa vụ đối với giao dịch mua/bán tài sản cơ sở khi nhà đầu tư (bên mua sản phẩm) thực hiện quyền. Rủi ro có thể phát sinh khi tổ chức phát hành bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn hay nhà đầu tư quyết định thực hiện quyền.


Một số điều nhà đầu tư cần lưu ý khi sử dụng chứng quyền có bảo đảm

- Để sử dụng chứng quyền có bảo đảm một cách đúng đắn cho những mục đích thích hợp, nhà đầu tư cần nắm được kiến thức cơ bản về sản phẩm – những điểm đặc trưng, lợi ích tiềm tàng và rủi ro tiềm ẩn.

- Xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng chứng quyền có bảo đảm – chẳng hạn nhằm tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận đầu tư hay phòng ngừa rủi ro biến động giá tài sản cơ sở. Mục tiêu khác nhau có thể đòi hỏi chiến lược sử dụng cụ thể không giống nhau.

- Tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành (năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm...) cũng như thông tin về đợt phát hành chứng quyền, theo dõi các thông tin giao dịch trên thị trường và lựa chọn sử dụng dịch vụ (môi giới, tư vấn) của những tổ chức kinh doanh chứng khoán đáng tin cậy.

- Trong một số trường hợp, chứng quyền có bảo đảm đang giao dịch trên thị trường có thể bị hủy niêm yết hoặc ngừng giao dịch. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân nhà đầu tư.


Các trường hợp chứng quyền có bảo đảm bị hủy niêm yết:

- Tổ chức phát hành bị đình chỉ, tạm ngừng hoạt động; bị chia, tách, hợp nhất, sát nhập, giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động;

Bài viết liên quan
Đầu tư tăng trưởng
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040