Tìm hiểu về ESG: Sự khác biệt giữa xếp hạng tín dụng và xếp hạng ESG (Phần 08)

Xếp hạng tín dụng (hay định mức tín nhiệm – credit rating) và xếp hạng ESG, về bản chất, đều là những đánh giá dựa trên dữ liệu của bên thứ ba là tổ chức cung cấp dịch vụ; tuy nhiên, hai sản phẩm này cũng có những điểm khác biệt do xếp hạng ESG có một số đặc trưng riêng.

Thứ nhất, xếp hạng tín dụng là việc đưa ra ý kiến, quan điểm về mức độ tín nhiệm của một tổ chức hay công cụ dựa trên một hệ thống xếp hạng với các mức (hạng) cụ thể. Xếp hạng tín dụng được thực hiện dựa trên việc phân tích lượng dữ liệu đầu vào lớn (gồm các số liệu định lượng và các xét đoán định tính); còn chấm điểm tín dụng (credit score) không yêu cầu khía cạnh định tính mà là biện pháp đo lường mức tín nhiệm bắt nguồn từ việc tổng hợp và trình bày dữ liệu, chỉ dựa trên một hệ thống hoặc mô hình thống kê đã được thiết lập trước. Trong trường hợp ESG, không có sự phân biệt rõ ràng giữa xếp hạng và chấm điểm, và sự hạn chế về dữ liệu liên quan đến ESG hiện nay khiến cho cả xếp hạng và chấm điểm ESG đều cần phải dựa trên yếu tố đầu vào định tính dưới hình thức nào đó.

Thứ hai, xếp hạng tín nhiệm có thể áp dụng ở cả cấp độ tổ chức phát hành lẫn công cụ (chứng khoán), song xếp hạng ESG thường tập trung vào tổ chức phát hành, chủ yếu vì đa phần vốn huy động từ phát hành chứng khoán không tài trợ cho riêng các hoạt động liên quan đến ESG mà cho toàn bộ các hoạt động của tổ chức phát hành (ngoại trừ trường hợp trái phiếu huy động vốn có mục đích – “use-of-proceeds bonds”[1], hay trái phiếu tác động – “impact bonds”[2]). Bên cạnh đó, các vấn đề và dữ liệu liên quan đến ESG (như phát thải khí CO2, chênh lệch tiền lương theo giới…) thường gắn liền với hoạt động chung của doanh nghiệp hơn là những hoạt động cụ thể.

           Thứ ba, về mô hình thanh toán cho dịch vụ xếp hạng, nếu xếp hạng tín nhiệm áp dụng mô hình “tổ chức phát hành chi trả” thì xếp hạng ESG lại thường sử dụng mô hình “nhà đầu tư chi trả”. Ở đây, nhà đầu tư trả một khoản phí tuỳ thuộc vào loại và phạm vi sản phẩm họ muốn tiếp cận, cũng như mức độ chi tiết và phương pháp tiếp cận dữ liệu – ví dụ, chỉ cần mức xếp hạng hay cả những thông tin làm cơ sở cho mức xếp hạng đó, mức xếp hạng hiện thời hay cả mức xếp hạng trong quá khứ, kênh phân phối thông tin…).

[1] Trái phiếu có nguồn vốn huy động được quản lý theo mục đích (use-of-proceeds bonds) là loại công cụ được dùng để huy động vốn tài trợ riêng cho các dự án đem lại tác động tích cực tới môi trường hoặc xã hội (bao gồm các dự án xanh).

[2] Trái phiếu tác động (impact bonds) về bản chất là một loại hợp đồng dựa trên kết quả được xác lập giữa nhà đầu tư (cung cấp vốn), bên được uỷ quyền (hoàn trả vốn và lãi cho nhà đầu tư nếu dự án đem lại kết quả mong muốn) và tổ chức cung cấp dịch vụ (thực hiện dự án). Vốn huy động được sử dụng để giải quyết một vấn đề môi trường hoặc xã hội nào đó.

Nguồn: Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học - SRTC

Bài viết liên quan
Đầu tư giá trị
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040