Chứng quyền có bảo đảm: Khái niệm, phân loại, đặc điểm, các đối tượng tham gia thị trường


Chứng quyền có bảo đảm là gì?

- Chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán.

- Công cụ cho phép người sở hữu:

+ Được quyền mua hoặc được quyền bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định,

+ Hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện


Các loại chứng quyền có bảo đảm:

- Theo quyền đem lại cho người nắm giữ hay sở hữu công cụ, chứng quyền có bảo đảm gồm hai loại: chứng quyền mua và chứng quyền bán

Chứng quyền mua

Chứng quyền bán

Đem lại cho người sở hữu quyền được mua tài sản cơ sở từ tổ chức phát hành với giá cố định trong tương lai.

Tổ chức phát hành có nghĩa vụ chuyển giao (bán) tài sản cho người sở hữu chứng quyền mua nếu quyền được thực hiện

Người sở hữu được lợi khi giá tài sản cơ sở tăng

Đem lại cho người sở hữu quyền  được bán tài sản cơ sở cho tổ chức phát hành với giá cố định trong tương lai.

Tổ chức phát hành có nghĩa vụ nhận (mua) tài sản cơ sở từ người sở hữu chứng quyền bán nếu quyền được thực hiện

Người sở hữu được lợi khi giá tài sản cơ sở giảm

 

 

- Theo thời điểm thực hiện quyền, chứng quyền có bảo đảm gồm hai loại: chứng quyền kiểu châu Âu hoặc chứng quyền kiểu Mỹ.

Loại chứng quyền

có bảo đảm

Thời điểm thực hiện quyền

 

Trước ngày đáo hạn                    

Ngày đáo hạn

Kiểu Mỹ

x

x

Kiểu Châu Âu

 

x


Các đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm
Tài sản cơ sở: chứng quyền có bảo đảm có thể được phát hành dựa trên nhiều loại tài sản cơ sở khác nhau như cổ phiếu đơn lẻ, rổ cổ phiếu, chỉ số chứng khoán hay một loại hàng hóa khác.

Ngày đáo hạn: mỗi chứng quyền có bảo đảm chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định, xác định bởi ngày đáo hạn (thường được nêu rõ khi phát hành chứng quyền). Sau ngày đáo hạn, quyền (mua hoặc bán tài sản cơ sở của người sở hữu chứng quyền có bảo đảm) sẽ không còn giá trị nữa, cho dù quyền đó chưa được thực hiện.

Giá thực hiện: đây là mức giá cố định mà nhà đầu tư chứng quyền có bảo đảm được quyền mua (nếu là chứng quyền mua) hoặc bán (nếu là chứng quyền bán) tài sản cơ sở. Ví dụ, chứng quyền mua cổ phiếu XYZ do công ty chứng khoán A phát hành với giá thực hiện 50.000 đồng/cổ phiếu. Giả sử, người nắm giữ chứng quyền này quyết định thực hiện quyền vào ngày đáo hạn. Nhà đầu tư đó sẽ có quyền được mua cổ phiếu XYZ từ công ty A với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, bất kể giá thị trường của cổ phiếu khi đó là bao nhiêu.

Chứng quyền có bảo đảm đối với một tài sản cơ sở (chẳng hạn như cổ phiếu XYZ) thường được phát hành không phải với một mức giá thực hiện duy nhất mà với nhiều mức giá thực hiện khác nhau, xoay quanh mức giá thị trường hiện hành của tài sản đó. Điều này cho phép nhà đầu tư với những kỳ vọng khác nhau về phương hướng biến động giá có thể lựa chọn chứng quyền phù hợp để đạt được mục tiêu của mình.

Tỷ lệ thực hiện quyền: tỷ lệ thực hiện quyền cho biết số lượng chứng quyền có bảo đảm mà nhà đầu tư cần nắm giữ để mua một đơn vị tài sản. Ví dụ, tỷ lệ thực hiện quyền của chứng quyền mua cổ phiếu XYZ là 10:1 – điều này có nghĩa là nhà đầu tư cần thực hiện 10 chứng quyền có bảo đảm để được mua 1 cổ phiếu XYZ. Tỷ lệ này thường sẽ được quy định rõ khi phát hành chứng quyền có bảo đảm. 

Phương thức thanh toán chứng quyền: khi nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền có bảo đảm quyết định thực hiện quyền, việc thanh toán giữa hai bên (nhà đầu tư và tổ chức phát hành) có thể diễn ra dưới hình thức chuyển giao vật chất hoặc thanh toán tiền.

Loại chứng quyền có bảo đảm

Thanh toán bằng

chuyển giao vật chất

Thanh toán tiền

Chứng quyền mua

- Tổ chức phát hành giao tài sản cơ sở cho nhà đầu tư và nhận tiền thanh toán theo giá thực hiện

- Nhà đầu tư trả tiền theo giá thực hiện và nhận tài sản cơ sở

- Không xảy ra chuyển giao tài sản cơ sở

- Tổ chức phát hành trả cho nhà đầu tư số tiền bằng chênh lệch giữa giá giá thị trường của tài sản cơ sở và giá thực hiện chứng quyền

Chứng quyền bán

- Tổ chức phát hành nhận chuyển giao tài sản cơ sở từ nhà đầu tư và trả tiền theo giá thực hiện

- Nhà đầu tư nhận tiền thanh toán theo giá thực hiện và giao tài sản cơ sở cho tổ chức phát hành

- Không xảy ra chuyển giao tài sản cơ sở

- Tổ chức phát hành trả cho nhà đầu tư số tiền bằng chênh lệch giữa giá thực hiện chứng quyền và giá giá thị trường của tài sản cơ sở.

Phí (hoặc giá) mua chứng quyền có bảo đảm: là số tiền nhà đầu tư phải trả để được sở hữu chứng quyền mua hoặc chứng quyền bán. Phí mua chứng quyền biến động theo cung – cầu trên thị trường đối với công cụ này, song cũng chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Giá của tài sản cơ sở trên thị trường
  • Giá thực hiện của chứng quyền
  • Mức độ biến động giá của tài sản cơ sở
  • Thời gian còn lại đến khi chứng quyền đáo hạn
  • Lãi suất thị trường
  • Thu nhập dự kiến của tài sản cơ sở (ví dụ: cổ tức của cổ phiếu cơ sở).

So với giá tài sản cơ sở trên thị trường, phí mua chứng quyền có bảo đảm là một con số khá nhỏ do đây chỉ là số tiền nhà đầu tư phải bỏ ra để mua quyền (hay là cơ hội) được mua tài sản cơ sở với giá cố định trong tương lai.


Các đối tượng tham gia thị trường giao dịch chứng quyền có bảo đảm

Thị trường giao dịch sản phẩm chứng quyền có bảo đảm có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, với những vai trò và mục tiêu cụ thể, trong đó gồm:

Công ty chứng khoán: là tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm và/hoặc có chức năng tạo lập thanh khoản trên thị trường (còn gọi là tổ chức tạo lập thị trường). Công ty chứng khoán muốn phát hành chứng quyền có bảo đảm phải đáp ứng những điều kiện nhất định và được cơ quan quản lý (Uỷ ban chứng khoán) cấp phép.

Ủy ban Chứng khoán: là cơ quan quản lý thị trường, có vai trò cấp phép cho tổ chức phát hành chứng quyền, giám sát tình hình hoạt động và tài chính của tổ chức phát hành. Hoạt động của cơ quan quản lý nhằm bảo vệ sự lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch của thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư.

Sở giao dịch chứng khoán: tổ chức giao dịch giao dịch chứng quyền có bảo đảm; xem xét, cấp phép niêm yết chứng quyền; giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức tạo lập thị trường; đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống cho sự vận hành thông suốt của thị trường.

Trung tâm thanh toán, bù trừ: xác nhận lưu ký chứng quyền có bảo đảm, thực hiện chức năng thanh toán, bù trừ giao dịch.

Tổ chức tạo lập thị trường: là thành viên của sở giao dịch chứng khoán, có vai trò duy trì thanh khoản trên thị trường giao dịch chứng quyền có bảo đảm thông qua cơ chế yết giá hai chiều.

Nhà đầu tư: những người tham gia các giao dịch mua, bán chứng quyền có bảo đảm nhằm phục vụ các mục đích khác nhau (như tìm kiếm lợi nhuận hoặc phòng ngừa rủi ro cho một vị thế nhất định). Nhà đầu tư thực hiện việc mua, bán chứng quyền thông qua các công ty môi giới.

Bài viết liên quan
Chỉ số chứng khoán
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040