
Trong phương pháp quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu chủ động, hai khái niệm “chiến lược” và “phong cách” có thể được dùng thay thế cho nhau do chúng cùng phản ánh 2 yếu tố: Thứ nhất, cách thức tiếp cận, nghiên cứu, thực hiện các hoạt động đầu tư của nhà quản lý dựa trên cơ sở là các phương pháp thực hành tốt nhất của thị trường; Thứ hai, tính cách, quan điểm cá nhân, khẩu vị rủi ro, chuyên môn riêng biệt của từng nhà quản lý. Trên thực tế, không có 2 nhà đầu tư nào có phong cách đầu tư hoàn toàn giống nhau, mà chỉ giống nhau ở một số điểm chính.
1. Chiến lược đầu tư từ dưới lên và chiến lược đầu tư từ trên xuống.
*) Chiến lược đầu tư từ trên xuống
Đây là chiến lược mà nhà quản lý sẽ quan tâm trước tiên đến các yếu tố kinh tế vĩ mô hoặc các chủ đề đầu tư trước khi nghiên cứu kỹ hơn các yếu tố nhỏ hơn như ngành và doanh nghiệp. Trình tự tiếp cận của chiến lược này là phân tích nền kinh tế, phân tích ngành và cuối cùng là phân tích công ty. Những nhà quản lý tiếp cận theo cách đầu tư này tin rằng nếu nền kinh tế và ngành đang hoạt động tốt thì khả năng cao là cổ phiếu trong ngành đó sẽ là một cổ phiếu tốt.
Trong phạm vi một quốc gia, những ngành công nghiệp có tính an toàn như hàng tiêu dùng, dịch vụ công sẽ được quan tâm hơn nếu nhà quản lý tin rằng nền kinh tế đang đi vào giai đoạn thoái trào. Bên cạnh đó, nhà quản lý sẽ tăng tỷ trọng tài sản đối với ngành khai khoáng, vật liệu cơ bản, vận tải nếu họ tin rằng nền kinh tế sắp khởi sắc trở lại. Đối với chiến lược đầu tư này mặc dù nhà quản lý vẫn xây dựng danh mục dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ, nhưng các cổ phiếu này phải phản ánh các kỳ vọng chung về kinh tế vĩ mô.
Trong phạm vi toàn cầu, chiến lược đầu tư này sẽ phức tạp hơn khi nhà quản lý danh mục đầu tư cần xác định: Các sự kiện chính ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu; tác động của các sự kiện này lên các khía cạnh của nền kinh tế và các ngành khác nhau; Quốc gia và đồng tiền nào bị ảnh hưởng?; Các cổ phiếu đơn lẻ, các ngành chịu tác động hay hưởng lợi từ những thay đổi đó.
Tóm lại, phương pháp đầu tư này là giúp nhà đầu tư có được góc nhìn toàn cảnh, hiểu biết vô cùng sâu rộng về vấn đề, không chịu tác động bởi sự vận động phức tạp của các dòng tiền ngắn hạn. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này giúp cho các nhà đầu tư duy trì được sự tập trung và nhất quán trong việc lựa chọn những cơ hội đầu tư bởi vì bản chất của góc nhìn này rất ít cơ hội xuất hiện. Bên cạnh đó, phương pháp đầu tư này cũng mang đến cho nhà giao dịch một góc nhìn chủ quan, đôi khi là bảo thủ trong quá trình nhận định cho dù nhận định đó không phải lúc nào cũng chính xác. Ngoài ra, phân tích vĩ mô đòi hỏi các nhà đầu tư cần rất nhiều thời gian cũng như cần phải có trải nghiệm đủ lâu để am hiểu về những vấn đề vĩ mô và xã hội.
*) Chiến lược đầu tư từ dưới lên
Chiến lược đầu tư từ dưới lên bắt đầu từ việc quan sát các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp như vấn đề tài chính, cung, cầu, loại hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Nhà quản lý sử dụng chiến lược này sẽ quan tâm đến các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp bất kể xu hướng thị trường đang biến động như nào. Những chỉ số mà nhà quản lý theo đuổi gồm: Chỉ số tài chính (P/E, chỉ số thanh toán hiện hành, ROE, biên lợi nhuận ròng), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu, tốc độ tăng trưởng…. Nhà quản lý danh mục này sẽ tìm kiếm các cổ phiếu đang có giá thấp nhưng có yếu tố cơ bản ổn hoặc tốt, đồng thời tránh đầu tư vào các cổ phiếu có giá thấp nhưng hiệu quả hoạt động kém.
Chiến lược đầu tư từ dưới lên cũng có thể áp dụng cho một danh mục đầu tư toàn cầu, với các nguyên tắc:
+ Xác định một số yếu tố để dựa vào đó lọc cổ phiếu (P/E thấp; ROE cao hoặc ROIC cao và EV/EBITDA thấp);
+ Thu thập thêm thông tin về các công ty đã được lựa chọn;
+ Xác định các cơ hội đầu tư tiềm năng từ các công ty đã lựa chọn.
Trên thực tế, việc thực hiện so sánh tương quan giữa các công ty cùng ngành hiếm khi mang lại kết quả có ý nghĩa. Vì vậy, một nhà quản lý danh mục đầu tư từ dưới lên cần hiểu rõ cách thức vận hành của ngành, đặc điểm đặc trưng của từng công ty.
Theo phương pháp này giúp cho các nhà quản lý gần như không bỏ sót những cơ hội từ những mã cổ phiếu có tín hiệu tăng trưởng tốt và đang có được dòng tiền ưa chuộng ở trên thị trường. Cũng như sẽ có cái nhìn một cách thực tế hơn bằng cách đi vào từng doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hiệu quả chứ không có đặt ra ý chí chủ quan bằng cách nhìn vĩ mô. Tuy nhiên, phương pháp này cũng sẽ khiến các nhà đầu tư bị phân tâm vì có quá nhiều sự lựa chọn mà không biết phải lựa chọn cổ phiếu nào là tối ưu nhất.
Nguồn: SRTC