Các hành vi vi phạm pháp luật của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Quy định nghĩa vụ phải tuân thủ trong hoạt động chứng khoán đối với nhà đầu tư:

Nghĩa vụ phải tuân thủ trong hoạt động chứng khoán đối với nhà đầu tư được quy định tại các văn bản pháp luật như: Luật Chứng khoán 2019 (chào bán, phát hành chứng khoán, đăng ký công ty đại chúng, chào mua công khai, nghiệp vụ và dịch vụ kinh doanh chứng khoán, hành vi bị nghiêm cấm…); Nghị định 155/2020/NĐ-CP (điều kiện, hồ sơ thực hiện các hoạt động chứng khoán cần cấp phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận, đầu tư nước ngoài trên TTCK…); Thông tư 96/2020/TT-BTC (công bố thông tin trên TTCK, giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan, cổ đông sáng lập); Thông tư 98/2020/TT-BTC (hoạt động và quản lý quỹ đầu tư); Thông tư 99/2020/TT-BTC (hoạt động của công ty quản lý quỹ)… Các hành vi vi phạm của nhà đầu tư sẽ gắn với các nghĩa vụ phải tuân thủ trong mỗi hoạt động chứng khoán, được quy định tại văn bản pháp luật chứng khoán tương ứng này, theo đó việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng quy định sẽ dẫn tới vi phạm.

Ví dụ: theo quy định tại Điều 31 Thông tư số 96/2020/TT-BTC, nhà đầu tư khi trở thành hoặc khi không còn là cổ đông lớn của công ty đại chúng/công ty đầu tư chứng khoán thì phải công bố thông tin và báo cáo về giao dịch cho công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ, UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch) trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày trở thành hoặc không còn là cổ đông lớn. Bên cạnh đó, cổ đông lớn khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% phải công bố thông tin và báo cáo cho công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ, UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có sự thay đổi. Nhà đầu tư là cổ đông lớn thực hiện một trong các hành vi: không công bố thông tin hoặc công bố thông tin không đúng thời hạn về sở hữu theo quy định được coi là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP.

Các loại vi phạm pháp luật của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành

Hoạt động chứng khoán chủ yếu của nhà đầu tư là giao dịch (mua, bán, đầu tư) chứng khoán. Do vậy, các vi phạm pháp luật phổ biến của nhà đầu tư cũng gắn liền với giao dịch chứng khoán và nghĩa vụ phải tuân thủ khi giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật.

- Các loại vi phạm pháp luật của nhà đầu tư theo pháp luật chứng khoán hiện hành bao gồm: Vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu/chứng chỉ quỹ của cổ đông lớn công ty đại chúng/quỹ đóng, người nội bộ công ty đại chúng/công ty đầu tư chứng khoán/quỹ đại chúng và người có liên quan của người nội bộ; vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng; vi phạm quy định về chào mua công khai; vi phạm do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm (thao túng, giao dịch sử dụng thông tin nội bộ, che dấu thông tin về quyền sở hữu thực sự); vi phạm quy định về giao dịch, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư.

- Vi phạm phổ biến nhất trên TTCK của nhà đầu tư là vi phạm nghĩa vụ báo cáo/công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ tại công ty đại chúng. Điều này xuất phát từ việc nhóm đối tượng có số lượng lớn (hàng vạn người gồm cả tổ chức và cá nhân), thực hiện giao dịch khá thường xuyên và là đối tượng đặc thù có nghĩa vụ phải báo cáo/công bố thông tin khi thực hiện giao dịch chứng khoán. Đặc biệt, đối tượng người nội bộ và người có liên quan có nghĩa vụ báo cáo/công bố thông tin rất chặt chẽ: khi giao dịch cổ phiếu/chứng chỉ quỹ với số lượng ít hay nhiều đều phát sinh nghĩa vụ báo cáo/công bố thông tin; các nghĩa vụ phải tuân thủ rất nhiều bao gồm nghĩa vụ báo cáo/công bố thông tin trước và sau giao dịch, nghĩa vụ giải trình về lý do không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký, nghĩa vụ giao dịch theo đúng thời gian, khối lượng, giá trị đã đăng ký, không được đồng thời đăng ký mua và bán trong cùng một đợt đăng ký.

Vi phạm của nhà đầu tư có tính chất nghiêm trọng và bị xử lý với chế tài nặng nhất là thực hiện các giao dịch bị cấm (thao túng, giao dịch nội bộ). Trong giai đoạn 2015-2020, đã có 40 nhà đầu tư cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt trung bình 500-600 triệu đồng/cá nhân do thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu, có 01 cá nhân bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn này có 07 cá nhân bị kết án hình sự do phạm tội thao túng TTCK trong 03 vụ án.

Hành vi vi phạm mới của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành

So với Luật Chứng khoán 2006 được sửa đổi năm 2010, Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung thêm quy định liên quan đến nhà đầu tư trong tham gia giao dịch, mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, sửa đổi quy định về chào mua công khai, hành vi bị nghiêm cấm. Các quy định này làm thay đổi các nghĩa vụ, quy định phải tuân thủ của nhà đầu tư, dẫn tới các loại vi phạm của nhà đầu tư sẽ có sự thay đổi khi Luật Chứng khoán 2019 cùng với các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ 01/01/2020 so với trước đây, theo đó có hành vi vi phạm mới của nhà đầu tư là: vi phạm cho mượn tài khoản giao dịch dẫn tới thao túng giá chứng khoán (Khoản 6 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019); vi phạm quy định về hạn chế chuyển nhượng đối với chứng khoán phát hành riêng lẻ (Điều 31 Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế).

Bên cạnh đó, quy định điều chỉnh các hoạt động chứng khoán hiện nay của nhà đầu tư cũng sẽ có sự thay đổi nên mô tả hành vi, xác định mức độ vi phạm làm cơ sở xử phạt hành chính cũng có sự điều chỉnh theo các văn bản pháp luật mới.

Nguồn: SRTC

Bài viết liên quan
Chứng khoán phái sinh
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040