Tại sao nên tham dự Đại hội cổ đông


Công ty cổ phần là loại hình công ty có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quản trị điều hành. Các cổ đông là những người góp vốn, sở hữu công ty song không trực tiếp tham gia vào các quyết định, hoạt động kinh doanh hàng ngày của bản thân công ty đó. Với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện nay, cổ đông, đặc biệt là cổ đông tại các công ty niêm yết, vẫn có thể tiếp cận thông tin về công ty từ nhiều nguồn khác nhau; qua đó theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của công ty mà mình làm chủ và đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp. Tuy vậy, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vẫn là một trong những nguồn thông tin chính thống quan trọng nhất xét trên những mục đích và nội dung của sự kiện này. Đây không chỉ là nơi để những người điều hành công ty thực hiện trách nhiệm giải trình của mình thông qua việc trình bày các báo cáo, tài liệu cụ thể và giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của cổ đông về những vấn đề liên quan; mà còn là nơi để cổ đông được thể hiện ý kiến, quan điểm và thực hiện các quyền theo luật định.

Xét từ giác độ cổ đông, việc tham gia cuộc họp đại hội đồng cổ đông là quyền lợi song cũng có thể coi là một trách nhiệm. Thực tế là các đại hội cổ đông thường niên không phải là sự kiện mà cổ đông bắt buộc phải tham gia. Tuy nhiên, có nhiều lý do xác đáng mà nhà đầu tư cổ phiếu cần cân nhắc khi nhận được thông báo mời dự họp đại hội đồng cổ đông vì việc tham dự mang lại cho họ nhiều lợi ích hữu hình chứ không chỉ dừng lại ở những bữa trưa hấp dẫn tại một khách sạn sang trọng hay những món quà lưu niệm đắt đỏ mà các công ty sử dụng để thu hút sự quan tâm và lôi kéo nhà đầu tư đến với sự kiện này.


Lý do 1 - Được tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp

Thông thường, nhà đầu tư khó có cơ hội gặp mặt các thành viên của Ban giám đốc hay Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Tham gia họp Đại hội đồng cổ đông là một dịp hiếm hoi để cổ đông có thể tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ lãnh đạo của công ty, những người đã được họ tin tưởng giao phó việc quản lý, vận hành doanh nghiệp. Việc gặp gỡ trực diện, lắng nghe cách nói chuyện, trình bày, quan sát tác phong làm việc và đối thoại nhiều khi giúp đưa ra những cảm nhận, đánh giá hữu ích và không kém phần quan trọng bên cạnh những thông tin đã được cung cấp về tiểu sử, bằng cấp, năng lực, kinh nghiệm của người lãnh đạo, điều hành. Qua đó, cổ đông có thêm cơ sở đánh giá liệu những người nhận sự ủy thác của mình có xứng đáng với sự lựa chọn và những khoản thù lao được trả để chèo lái công ty đến thành công trong tương lai.


Lý do 2 - Nắm được tình hình tài chính và phương hướng phát triển của công ty

Một trong các công việc quan trọng nhất được tiến hành trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là thông qua báo cáo tài chính và các báo cáo kết quả hoạt động khác. Những người đứng đầu doanh nghiệp sẽ phải trình bày, cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình và kết quả tài chính của công ty trong năm vừa qua và định hướng kinh doanh, định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới. Đây là những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định đầu tư của cổ đông. Cuộc họp đại hội đồng cổ đông là nơi cổ đông có thể nghe và bày tỏ ý kiến hay nêu câu hỏi và nhận câu trả lời để làm rõ thêm những điều mình chưa rõ xoay quanh các nội dung đó. 


Lý do 3 - Nắm được chính sách chi trả cổ tức đối với cổ đông.

Cổ tức là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với người đầu tư cổ phiếu vì đây là một trong những yếu tố chính cấu thành và quyết định mức sinh lời cổ phiếu. Việc chi trả cổ tức phản ánh kết quả kinh doanh trong hiện tại, và phần nào đó cũng thể hiện triển vọng hay các cơ hội phát triển trong tương lai của công ty. Vì vậy, câu chuyện liên quan đến kế hoạch chi trả cổ tức là một nội dung thu hút được sự quan tâm rất lớn của các cổ đông trong chương trình làm việc của Đại hội cổ đông thường niên. Bằng việc tham dự trực tiếp cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cổ đông sẽ nắm được thông tin cụ thể về các mức chi trả cổ tức (gồm cả cổ tức đã trả trong năm trước, tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến năm nay, khả năng và mức chi trả cổ tức dự kiến khi luồng tiền của công ty đang dồi dào), qua đó hình dung được chính sách chi trả cổ tức của công ty có nhất quán hay không, hoặc hiểu được những lý do cho sự thay đổi của chính sách cổ tức (nếu có).


Lý do 4 - Có thể trao đổi và đặt câu hỏi trực tiếp

Bất kì cổ đông nào tham dự họp Đại hội đồng cổ đông đều có quyền đưa ra ý kiến hoặc đặt câu hỏi trực tiếp đối với đội ngũ lãnh đạo và các cá nhân có liên quan về các vấn đề được đưa vào chương trình của cuộc họp: tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, các quyết định chiến lược hay bất cứ chủ đề nào cổ đông thấy cần được làm rõ thêm. Là một chủ sở hữu của công ty, cổ đông không cần phải là người có kiến thức chuyên môn sâu hay kinh nghiệm kinh doanh dày dạn mới có thể tham gia phiên hỏi – đáp trong cuộc họp. Tuy nhiên, để tránh việc có nhiều ý kiến không cần thiết, hay để tăng sự tập trung trong phần thảo luận và tính hiệu quả của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông nên nghiên cứu trước tài liệu họp mà mình đã nhận được và tận dụng cơ hội để yêu cầu làm rõ những vấn đề mình quan tâm hoặc còn băn khoăn. Thông thường, ở các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, người tham dự sẽ được đề nghị đăng kí nội dung vào phiếu đặt câu hỏi để chuyển cho ban thư ký đại hội trước khi tiến hành phần thảo luận.           


Lý do 5 - Thực hiện quyền biểu quyết

Các vấn đề đưa ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hầu hết thể hiện trong các bản nghị quyết và được thông qua bằng phương thức biểu quyết. Thông thường một nghị quyết được thông qua khi được tán thành với một lượng phiếu biểu quyết tối thiểu nhất định. Ví dụ, nghị quyết về thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh chỉ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.

Mỗi cổ đông khi đã nắm giữ cổ phiếu của một công ty, dù chỉ với số lượng rất nhỏ, đều có quyền biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Quyền biểu quyết của một cổ đông tương ứng với phần vốn góp có quyền biểu quyết mà cổ đông đó nắm giữ, điều này khiến cho nhiều cổ đông nhỏ có thể cho rằng quyền kiểm soát doanh nghiệp nằm trong tay nhóm cổ đông nắm giữ lượng lớn cổ phần và tiếng nói của mình không có nhiều trọng lượng. Suy nghĩ này khiến cho phần nhiều cổ đông nắm giữ một số lượng cổ phần ít ỏi trong doanh nghiệp thường không mấy nhiệt tình với việc tham dự họp Đại hội đồng cổ đông. Các cổ đông này tin rằng với tỷ lệ sở hữu thấp của mình họ khó có thể gây ảnh hưởng đến kết quả biểu quyết tại cuộc họp. Tuy nhiên, việc các cổ đông nhỏ không tham dự họp Đại hội đồng cổ đông vô hình chung khiến cho nhóm cổ đông nắm giữ lượng lớn cổ phần càng dễ dàng tác động tới các quyết định tại Đại hội cổ đông khi xét đến số phiếu tán thành họ đưa ra tại Đại hội cổ đông tính trên tổng số phiếu có quyền biểu quyết. Khi đó, với tâm lý coi nhẹ lá phiếu biểu quyết của chính mình, bản thân mỗi cổ đông nhỏ đã chấp nhận phó thác hoàn toàn tiền bạc và tài sản của mình cho những người điều hành công ty và các cổ đông lớn.

Thay vào đó, nếu các cổ đông thiểu số kết hợp lại với nhau để cùng hành động trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông, họ hoàn toàn có thể tạo ra những tác động nhất định đến hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, khi nhóm cổ đông nhỏ sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn 06 tháng (hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty), họ hoàn toàn có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát; yêu cầu Đại hội đồng cổ đông họp bất thường; xem xét các giấy tờ sổ sách của doanh nghiệp; yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và nhiều quyền lợi khác.


Một số điều cần lưu ý

Nhìn chung, mục tiêu của các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên là hướng đến lợi ích của cổ đông, tạo điều kiện cho các cổ đông được thực hiện một số quyền của mình. Mặc dầu vậy, việc đưa ra lá phiếu quyết định của mỗi cổ đông cũng nên được thực hiện trên quan điểm cân nhắc thận trọng. Nhà đầu tư nên dựa vào óc phán đoán, sự phân tích và nhận định của mình để đánh giá, ví dụ tính thực tiễn, khả thi của các dự án kinh doanh được đề xuất hay các số liệu dự báo cho tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý những yếu tố tuy nhỏ và có khi chỉ mang tính chất thủ tục nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng và phản ánh chất lượng quản trị công ty của tổ chức mà mình đang đầu tư vốn như: công ty có thông báo rõ ràng về quy trình biểu quyết trước cuộc họp, công ty có chỉ định một bên độc lập để xác nhận tính hợp lệ của kết quả biểu quyết, hoặc công ty yêu cầu cổ đông tham gia cuộc họp biểu quyết cho từng nội dung riêng biệt hay biểu quyết thông qua một nghị quyết chung kết hợp nhiều nội dung khác nhau trong đó...

Cuối cùng, mỗi cổ đông cần nhận thức rõ rằng cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hàng năm là một sự kiện quan trọng và tham gia sự kiện đó là một việc cần làm. Với tư cách là một trong những người chủ sở hữu, cổ đông cũng chính là một phần của công ty. Việc cổ đông quan tâm một cách thực sự và nghiêm túc tới công ty cũng như tới hoạt động kinh doanh của nó sẽ thúc đẩy Ban giám đốc phải cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với các quyết định của mình, và chính những quyết định kinh doanh đó lại ảnh hưởng đến kết quả khoản đầu tư của cổ đông. Nói cách khác, tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là quyền và cũng là trách nhiệm của mỗi cổ đông. Đó là quyền được tiếp cận thông tin, được giải đáp các thắc mắc và bày tỏ quan điểm; đồng thời đó là trách nhiệm với doanh nghiệp mà mình đầu tư, với tài sản của chính mình.

Bài viết liên quan
Mua bán và sáp nhập
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040