Phân bổ tài sản: Nguyên tắc và tiêu chí

Nguồn: Internet.

Phân bổ tài sản là quá trình được nhà quản lý quỹ thực hiện nhằm phân bổ nguồn vốn quỹ đầu tư vào các lớp tài sản khác nhau mà quỹ có thể đầu tư. Một lớp tài sản được xác định là một nhóm các chứng khoán có cùng đặc tính tương tự và có cách thức biến động giá giống nhau trước các thay đổi của thị trường. Vì thế, các tài sản nằm trong cùng một lớp tài sản với nhau sẽ thường được áp dụng cùng một nguyên tắc quản lý và chịu sự chi phối của các quy định pháp lý giống nhau.

Việc phân bổ tài sản thường được triển khai ngay trong giai đoạn đầu của quy trình đầu tư, các quyết định về phân bổ tài sản không phải là quyết định đầu tư mang tính riêng lẻ, mà thực chất là một bộ phận không thể tách rời của hoạt động quản lý danh mục đầu tư. Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư nhằm xây dựng danh mục đầu tư chi tiết chính là quá trình phân bổ tài sản.

Như vậy, quyết định phân bổ vốn nhằm xác định tỷ trọng đầu tư vào các công cụ đầu tư ít rủi ro trên thị trường tiền tệ và các công cụ rủi ro trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và đôi khi cả thị trường hàng hóa.

Nguyên tắc và tiêu chí phân bổ tài sản

Trong quy trình phân bổ tài sản, bước đầu tiên bắt đầu tư nhà đầu tư. Nhà đầu tư với các mục tiêu đầu tư, hạn chế cụ thể của mình như mức ngại rủi ro, các vấn đề liên quan tới tính thanh khoản, thuế, các vấn đề pháp lý,... mà có những giới hạn cụ thể về lớp tài sản mà nhà đầu tư muốn đầu tư.

Tiếp đó, nhà quản lý danh mục đầu tư cần xác định được các mức tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của các dạng tài sản được xem xét và lựa chọn, phù hợp với mục tiêu và hạn chế đầu tư của nhà đầu tư.

Một số các yếu tố mà nhà quản lý danh mục đầu tư cần quan tâm:

- Các yếu tố cơ bản: Bao gồm việc phân tích các điều kiện kinh tế, thay đổi chính sách trước những thay đổi về kinh tế hoặc các yếu tố rủi ro địa chính trị như chiến tranh, xung đột, khủng hoảng,... Nhà quản lý danh mục đầu tư cần xây dựng tình huống và mô hình thể hiện mức biến động giá của các tài sản trước các biến động về kinh tế; ước lượng được xác suất mà các tình huống có thể xảy ra.

- Phân tích giá trị thực của các tài sản: Đây là khâu quan trọng trong việc phân bổ tài sản. Nhà quản lý danh mục cần phân tích các mức giá và thước đo định giá của các tài sản cả trong hiện tại và quá khứ, từ đó có được dự đoán hớp lý về các mức biến động giá của tài sản trong tương lai.

- Các yếu tố về phân tích kỹ thuật: Đây là phương pháp sử dụng các mô hình, biểu đồ kỹ thuật nhằm dự đoán xu thể hiện tại và lực tăng giá của các lớp tài sản cần được quan tâm.

- Xây dựng và quản lý danh mục đầu tư: Sau khi cân nhắc đầy đủ các yếu tố trên, nhà quản lý danh mục sẽ xây dựng và quan lý danh mục thông qua các chiến lược đầu tư hiệu quả vào thị trường. Việc rà soát, đánh giá danh mục đầu tư được tiến hành một cách định kỳ, đặc biệt trong trường hợp tỷ suất lợi nhuận của danh mục không đạt như kỳ vọng ban đầu.

Các tiêu chí giúp phân loại dạng tài sản trong quy trình phân bổ tài sản:

- Các tài sản trong cùng một dạng tài sản cần phải có tính chất tương đối giống nhau. Như gộp tài sản có rủi ro cao (trái phiếu rủi ro) với tài sản phi rủi ro (trái phiếu kho bạc Nhà nước); gộp cổ phiếu thường và cổ phần bất động sản…

- Các dạng tài sản cần khác biệt nhau về đặc tính: Việc xây dựng các dạng tài sản có các đặc tính giống nhau sẽ làm giảm tính hiệu quả của việc phân bổ vốn mang tính chiến lược nhằm kiểm soát rủi ro và tạo nhiều khó khăn cho việc đạt mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng.

- Các dạng tài sản cần phải đạt được sự đa dạng hóa tốt: Nhằm mục tiêu kiểm soát rủi ro, các dạng tài sản được thêm vào danh mục không nên có hệ số tương quan dương cao (sát với 1) với các dạng tài sản khác, hoặc không nên có mối quan hệ tuyến tính với các dạng tài sản khác. Nếu không, các dạng tài sản được phân bổ trong danh mục sẽ là thừa, vì chúng sẽ tạo ra một mức rủi ro tương tự như các tài sản đã có trong danh mục mà chúng có mối tương quan dương lớn.

- Các dạng tài sản cần bao gồm phần lớn các tài sản quan trọng mang tính toàn cầu: Việc lựa chọn một tài sản từ một nhóm các dạng tài sản đáp ứng được tiêu chí này sẽ giúp tăng cường mức lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư đối với một mức rủi ro xác định trước.

- Các dạng tài sản đầu tư được lựa chọn cần thỏa mãn các tiêu chí có tính thanh khoản tốt và có chi phí giao dịch hợp lý. Hai yếu tố này rất quan trọng, vì nếu một dạng tài sản quan trọng nào đó thuộc danh mục không đáp ứng tốt các tiêu chí này, thì trên thực tế việc lựa chọn các dạng tài sản này đưa vào danh mục nhằm đa dạng hóa lợi nhuận, kiểm soát rủi ro sẽ không phù hợp.

Nguồn: SRTC

Bài viết liên quan
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Các video khác
Kiểm tra kiến thức nhanh
Để kiểm tra kiến thức của bạn về chứng khoán và TTCK, hãy tham gia cùng chúng tôi
Câu hỏi khảo sát
Bạn nhận thấy hiểu biết của mình về chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào?
  • Trụ sở Trung tâm:
  • Địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • ĐT:      (84-24) 3553 5870 (P. Hành chính)

                (84-24) 3553 5874 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-24) 3553 5869
  • Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:
  • Địa chỉ: số 264B Lê Văn Sỹ, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • ĐT:      (84-28) 3930 9040 (P. Hành chính)

                (84-28) 3930 9042 (P. Đào tạo)

  • Fax:     (84-28) 3930 9040