Như đã mô tả về mặt khái niệm, ESG bao gồm các tiêu chí được sử dụng để đánh giá tác động của một tổ chức – doanh nghiệp trên các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị. Những tiêu chí này được thiết kế nhằm đem lại những lợi ích không chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh tế (đối với doanh nghiệp) mà còn có lợi cho xã hội và những đối tượng liên quan khác như nhà đầu tư, khách hàng, người lao động và cộng đồng nói chung. Hình dưới đây trình bày tóm tắt một cách tiếp cận những tiêu chí cơ bản, điển hình thuộc phạm trù ESG.
Các tiêu chí cơ bản trong ESG - Nguồn: Miller R. (2021)
Việc thực hành ESG được cụ thể hoá bằng việc doanh nghiệp thống kê dữ liệu liên quan đến các tiêu chí thuộc từng nhóm thành tố và truyền đạt thông tin đó đến các đối tượng liên quan thông qua các báo cáo được xây dựng theo những thể thức, chuẩn mực và khuôn mẫu nhất định.
Với rất nhiều nhân tố cấu thành chi tiết, thực hành ESG đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hành động mang tính thực chất hơn thay vì chỉ dừng lại ở những cam kết hay kế hoạch đơn thuần. Dĩ nhiên, tuỳ từng doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề cụ thể, mức độ trọng yếu của các nhân tố có thể khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả hay tác động từ các hoạt động của doanh nghiệp sẽ phải được chứng minh, đánh giá một cách cụ thể thông qua các dữ liệu đo lường, thống kê và báo cáo một cách công khai theo những tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định. Tính định lượng tăng lên và khung khổ báo cáo rõ ràng hơn sẽ cho phép các đối tượng liên quan ngoài phạm vi doanh nghiệp (nhà đầu tư, chính phủ, cộng đồng và xã hội) có cơ sở thông tin đầy đủ hơn cho việc giám sát và ra các quyết định cần thiết.
Nguồn: Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học-SRTC
Xem tiếp phần 4 tại: https://nhadautu.srtc.org.vn/p/tim-hieu-ve-esg-dau-tu-theo-cac-tieu-chi-esg-phan-04