Khái niệm
Trái phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu (trái chủ) đối với phần vốn nợ của tổ chức phát hành.
Đặc điểm của trái phiếu
Tổ chức phát hành trái phiếu có thể là Doanh nghiệp, hoặc Chính quyền Trung ương, địa phương.
Trái phiếu là công cụ đầu tư tài chính nợ có thời hạn. Trong thời gian trái phiếu được nhà đầu tư nắm giữ, người phát hành có nghĩa vụ trả phần lãi vào một thời điểm ấn định (lãi suất cuống phiếu); và đến khi đáo hạn, người phát hành phải hoàn trả vốn gốc của trái phiếu cho nhà đầu tư. Như vậy, người phát hành trái phiếu được coi là người đi vay, còn nhà đầu tư hay người mua trái phiếu là người cho vay.
Thu nhập chủ yếu từ việc nắm giữ trái phiếu chính là lãi suất cuống phiếu, tính theo phần trăm của mệnh giá trái phiếu. Đây là khoản thu cố định, không phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh, sự phát triển của tổ chức phát hành.
Theo những tiêu chí khác nhau (như lãi suất, hình thức nắm giữ…) trái phiếu được phân loại thành những dạng khác nhau. Tuy nhiên, thông dụng nhất, trái phiếu được phân loại trên cơ sở chủ thể phát hành, gồm: Trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương và Trái phiếu doanh nghiệp
Một số loại trái phiếu
Theo những tiêu chí khác nhau (như lãi suất, hình thức nắm giữ…) trái phiếu được phân loại thành những dạng khác nhau. Tuy nhiên, thông dụng nhất, trái phiếu được phân loại trên cơ sở chủ thể phát hành, gồm: Trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương và Trái phiếu doanh nghiệp.
Tiêu chí |
Trái phiếu Chính phủ, Chính quyền địa phương |
Trái phiếu doanh nghiệp |
Khái niệm |
Là loại trái phiếu do Chính phủ hoặc chính quyền địa phương phát hành. |
Là loại trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. |
Mục đích |
Bù đắp thâm hụt ngân sách; tài trợ cho các công trình công ích, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… hoặc làm công cụ điều tiết tiền tệ. |
Huy động nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh . |
Mức độ rủi ro và tính thanh khoản |
Hầu như không có rủi ro thanh toán và có tính thanh khoản khá tốt. |
Có rủi ro. Mức độ rủi ro cao hay thấp thường sẽ do các tổ chức chuyên định mức tín nhiệm công ty đánh giá và xếp hạng. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là CTCP, trái chủ sẽ được nhận thanh toán trước cổ đông. |
Một số đặc trưng của trái phiếu
- Mệnh giá của trái phiếu: là giá trị được ghi trên trái phiếu, làm căn cứ xác định phần giá trị tiền vay mà nhà phát hành phải trả. Mệnh giá trái phiếu cũng là số tiền mà nhà phát hành phải trả cho nhà đầu tư khi trái phiếu đáo hạn.
- Lãi suất cuống phiếu: là lãi suất ghi trên trái phiếu. Lãi suất này được xác định dựa trên tỷ lệ phần trăm so với mệnh giá của trái phiếu và cũng là một căn cứ để xác định lợi tức của trái phiếu.
- Kỳ trả lãi: là khoảng thời gian định kỳ mà nhà phát hành phải trả lãi suất cuống phiếu cho trái chủ trong suốt thời hạn của trái phiếu. Ttùy theo thông lệ các nước mà lãi suất cuống phiếu được trả 1 lần/năm hoặc 2 lần/năm.
- Thời hạn của trái phiếu: là khoảng thời gian từ ngày phát hành trái phiếu đến ngày nhà phát hành hoàn trả mệnh giá trái phiếu (vốn vay gốc ban đầu). Thông thường, trái phiếu ngắn hạn có thời hạn dưới 3 năm; trái phiếu trung hạn có thời hạn từ 5-7 năm và trái phiếu dài hạn có thời hạn trên 7 năm.
- Giá phát hành: là giá bán của trái phiếu tại thời điểm phát hành. Thông thường giá phát hành được xác định theo tỷ lệ phần trăm với mệnh giá. Đối với trái phiếu không trả lãi suất cuống phiếu, giá phát hành thấp hơn mệnh giá (trường hợp bán chiết khấu).
Những lợi ích khi nắm giữ trái phiếu
Người nắm giữ trái phiếu có thể nhận được những lợi ích sau:
- Tiền lãi định kỳ là khoản tiền nhà đầu tư (trái chủ) nhận được trên cơ sở lãi suất cuống phiếu, thường trả theo thời gian xác định. Khoản này được ấn định từ đầu và không thay đổi cho đến khi trái phiếu đáo hạn.
- Chênh lệch giá mua – giá bán trước thời điểm đáo hạn: là giá trị chênh lệch khi trái chủ thực hiện giao dịch trái phiếu trước ngày đáo hạn quy định. Phần chênh lệch này có thể là dương hoặc âm, tùy thuộc khi giá bán cao hơn (trong trường hợp lãi suất cuống phiếu cao hơn lãi suất yêu cầu của trái phiếu) hoặc thấp hơn giá mua ban đầu của trái phiếu (trong trường hợp lãi suất cuống phiếu thấp hơn lãi suất yêu cầu của trái phiếu).
- Lãi của lãi, do tái đầu tư các khoản lãi suất cuống phiếu định kỳ: bộ phận này của tổng thu nhập từ trái phiếu phụ thuộc vào lãi suất tái đầu tư trên thị trường. Trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể sử dụng phần tiền lãi định kỳ nhận được từ trái phiếu để tiếp tục đầu tư hưởng lợi từ sự biến động tích cực của lãi suất trên thị trường. (cách đơn giản nhất là thông qua gửi tiền tiết kiệm).
Những rủi ro khi nắm giữ trái phiếu
Ngoài việc cũng phải đối mặt với những rủi ro chung (rủi ro hệ thống) như với cổ phiếu, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu còn phải đối mặt với có những rủi ro đặc trưng sau:
- Rủi ro tín dụng: là rủi ro xảy ra khi nhà phát hành không đủ khả năng thanh toán, hoặc thanh toán không đúng hạn những khoản lãi cuống phiếu, hay không hoàn trả vốn gốc trái phiếu như cam kết. Thông thường, rủi ro tín dụng càng cao, thì mức lãi suất cuống phiếu mà nhà đầu tư yêu cầu khi đầu tư vào các trái phiếu càng cao.
- Rủi ro lãi suất: là khả năng trái phiếu bị giảm giá khi có sự gia tăng lãi suất trên thị trường. Giá trái phiếu thường biến động ngược chiều với lãi suất trên thị trường. Bất cứ nhà đầu tư nào mua trái phiếu đều phải chịu rủi ro lãi suất. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp cổ đông ưu đãi (do lãi cổ tức ưu đãi là một khoản không đổi xác định trước).
- Rủi ro quyền mua lại trái phiếu: rủi ro này liên quan tới việc phát hành trái phiếu kèm quyền mua lại và tới khả năng trái phiếu sẽ có thể bị mua lại bởi nhà phát hành trước khi đáo hạn. Rủi ro mua lại thường đi kèm với rủi ro tái đầu tư. Rủi ro mua lại xảy ra khi các mức lãi suất trên thị trường giảm, khiến cho các công ty có động cơ để tiết kiệm chi phí vay vốn bằng cách thu hồi lại các đợt phát hành trái phiếu trước đó có lãi suất cuống phiếu cao và thay thế bằng các đợt phát hành trái phiếu mới với lãi suất cuống phiếu thấp hơn. Trong một môi trường lãi suất giảm, nhà đầu tư sau khi nhận lại khoản hoàn trả mệnh giá trái phiếu sẽ khó tìm được khoản đầu tư mới trả lãi cuống phiếu cao và có chất lượng tương đương trái phiếu vừa bị mua lại.
- Rủi ro tái đầu tư: là rủi ro cũng bắt nguồn từ biến động của lãi suất thị trường, nhưng tác động tới lợi tức của các khoản tái đầu tư phần tiền lãi nhận được từ trái phiếu. Trong môi trường lãi suất giảm, các trái chủ đang nắm giữ các trái phiếu sắp đáo hạn hoặc sắp bị mua lại sẽ gặp phải khó khăn khi tìm kiếm cơ hội để đầu tư khoản tiền sắp nhận được từ các trái phiếu này với mức lãi suất cao hơn hoặc ít nhất cũng bằng với lãi suất mà các trái phiếu này đã trả. Kết quả là, họ thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải mua các chứng khoán mới với lãi suất cuống phiếu thấp hơn, trừ phi họ chấp nhận chịu thêm rủi ro tín dụng hoặc rủi ro thị trường để mua các trái phiếu trả lãi suất cuống phiếu cao hơn (do rủi ro của chúng cao hơn).
- Rủi ro lạm phát: xảy ra khi các khoản thanh toán cố định của trái phiếu bị giảm sức mua do tình trạng lạm phát trong nền kinh tế. Rủi ro này ít xảy ra với những trái phiếu trả lãi suất cuống phiếu thả nổi (không trả lãi suất cố định – tức là không trả theo một mức phần trăm cố định tính trên mệnh giá trái phiếu).