Tìm hiểu về quỹ thị trường tiền tệ (Phần 7)

Khi nhu cầu bảo toàn vốn, đảm bảo thanh khoản và tối ưu hóa dòng tiền trở thành ưu tiên trong các quyết định đầu tư, quỹ TTTT (TTTT/MMF) nổi lên như một công cụ tài chính đáng tin cậy. Với đặc tính đầu tư vào các công cụ nợ ngắn hạn, có độ rủi ro thấp và khả năng thanh khoản cao, quỹ TTTT mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.

Đầu tiên, quỹ TTTT có thể thay thế hiệu quả cho tiền gửi ngân hàng. Về mặt lịch sử, quỹ TTTT xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ vào những năm 1970, trong bối cảnh các ngân hàng bị áp trần lãi suất tiền gửi thấp hơn lợi suất trên TTTT. Nhằm giải quyết bất cập đó, quỹ TTTT được thiết kế để mô phỏng tiền gửi, giữ giá trị tài sản ròng ổn định ở mức 1 USD/cổ phiếu quỹ, đồng thời cung cấp mức lợi suất cao hơn. Đặc điểm này giúp nhà đầu tư vừa bảo toàn vốn, vừa có cơ hội gia tăng thu nhập mà không phải chịu rủi ro lớn. Hơn nữa, quỹ cho phép rút vốn linh hoạt mà không áp dụng phí phạt, một yếu tố tạo lợi thế rõ rệt so với tiền gửi có kỳ hạn.

Thứ hai, quỹ TTTT là một công cụ có khả năng chuyển đổi kỳ hạn và chuyển đổi quy mô. Thông thường, chuyển đổi kỳ hạn là một khái niệm gắn liền với các ngân hàng thương mại, khi nhóm định chế này đi vay (nhận tiền gửi) với thời hạn ngắn rồi chuyển đổi nguồn tài chính này thành các khoản cho vay có thời hạn dài hơn (khoảng sai lệch về thời hạn có thể rất lớn và được tính bằng năm). Hoạt động này cũng diễn ra ở các quỹ TTTT nhưng với mức độ khiêm tốn hơn nhiều. Quỹ TTTT huy động vốn từ các cá nhân và tổ chức, cho phép họ rút vốn (bán lại chứng chỉ quỹ) khi có nhu cầu, tần suất thực hiện có thể là hàng ngày; và tập trung đầu tư vào các công cụ tài chính ngắn hạn. Khoảng sai lệch về thời hạn do đó chỉ tính bằng ngày, hoặc bằng tháng. Bên cạnh đó, với sự hiện diện của quỹ TTTT, những khoản tiền nhỏ của các nhà đầu tư cá nhân được tập hợp lại thành lượng vốn lớn và đầu tư vào các công cụ TTTT, giúp nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục tài sản, nguồn thu nhập cũng như đạt được các mục tiêu tài chính họ mong muốn. Đây chính là ưu thế chuyển đổi quy mô (vốn) của quỹ TTTT.

Thứ ba, quỹ TTTT là công cụ quản lý tiền linh hoạt. Nhiều nhà đầu tư tổ chức và doanh nghiệp thường có lượng tiền nhàn rỗi tạm thời cần được bảo toàn và sinh lời trong ngắn hạn. Thay vì để vốn nằm yên trên tài khoản ngân hàng với lãi suất thấp, họ có thể đầu tư vào quỹ TTTT để nhận được mức sinh lời tốt hơn mà vẫn giữ được quyền rút vốn nhanh chóng khi cần thiết. Nhờ tính linh hoạt này, chứng chỉ quỹ TTTT được xem là một tài sản tương đương tiền, đồng thời cũng là công cụ hỗ trợ quản trị thanh khoản hiệu quả cho các quỹ đầu tư khác.

Thứ tư, quỹ TTTT mang lại mức độ rủi ro thấp. Do đầu tư vào các công cụ nợ ngắn hạn có chất lượng tín dụng cao, danh mục của quỹ ít biến động và ổn định hơn so với các kênh đầu tư dài hạn. Đây là đặc điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư thận trọng, những người ưu tiên bảo toàn vốn và chấp nhận lợi suất vừa phải để đổi lấy sự an toàn. Đồng thời, quỹ còn giúp giảm rủi ro tín dụng nhờ khả năng đa dạng hóa danh mục theo tổ chức phát hành và công cụ tài chính. Lợi thế quy mô và năng lực chuyên môn của công ty quản lý quỹ cũng góp phần kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả với chi phí thấp, điều mà các nhà đầu tư cá nhân khó thực hiện được nếu đầu tư riêng lẻ.

Tóm lại, quỹ TTTT là một lựa chọn đầu tư toàn diện cho những ai tìm kiếm sự an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong sử dụng dòng vốn ngắn hạn. Từ khả năng thay thế tiền gửi, hỗ trợ chuyển đổi kỳ hạn và quy mô đầu tư, đến vai trò trong quản lý thanh khoản và kiểm soát rủi ro, loại quỹ này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư của cả cá nhân lẫn tổ chức. Sự kết hợp giữa bảo toàn vốn và sinh lời hợp lý khiến quỹ TTTT trở thành công cụ tài chính không thể thiếu trong môi trường đầu tư ngày càng đề cao tính linh hoạt và ổn định.

Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC

Related Posts
    Investor Knowledge Quiz
    A quick check for your understanding of securities and securities market
    Survey question
    What your level of understanding about securities and investing?
    • Head Office:
    • Address: No 234 Luong The Vinh str, Trung Van Ward, Nam Tu Liem District, Hanoi
    • Tel:        (84-24) 3553 5870 (Administration Dep’t)

                    (84-24) 3553 5874 (Training Dep’t)

    • Fax:       (84-24) 3553 5869
    • Branch in Ho Chi Minh City:
    • Address: No 264B - Le Van Sy str, Ward 14, District 3, Ho Chi Minh City
    • Tel:        (84-28) 3930 9040 (Administration Dep’t)

                    (84-28) 3930 9042 (Training Dep’t)

    • Fax:       (84-28) 3930 9040