
Trong hai bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về cách phân loại quỹ TTTT theo loại tài sản đầu tư và phương pháp xác định giá trị tài sản ròng. Tuy nhiên, để có một cái nhìn toàn diện hơn, cần xem xét thêm một tiêu chí quan trọng khác: đối tượng nhà đầu tư tham gia. Việc phân chia quỹ theo tiêu chí này giúp xác định rõ nhóm nhà đầu tư mục tiêu, từ đó ảnh hưởng đến quy mô vốn, chiến lược đầu tư và tính thanh khoản của quỹ. Dựa trên tiêu chí này, quỹ TTTT có thể được chia thành hai nhóm chính: quỹ dành cho nhà đầu tư cá nhân và quỹ dành cho tổ chức. Sự khác biệt giữa hai loại quỹ này không chỉ nằm ở quy mô vốn đầu tư mà còn thể hiện ở chiến lược đầu tư, yêu cầu pháp lý và mức độ tiếp cận thị trường.
Quỹ TTTT dành cho nhà đầu tư tổ chức: đây là những quỹ được thiết kế với mục đích thu hút đối tượng nhà đầu tư tổ chức (như Chính phủ, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư khác). Vì thế, quỹ thường ấn định mức vốn tối thiểu có giá trị khá lớn, chỉ thích hợp với đối tượng nhà đầu tư tổ chức với tiềm lực tài chính dồi dào. Chiến lược đầu tư của quỹ sẽ được xây dựng sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của các nhà đầu tư thuộc nhóm này.
Quỹ TTTT dành cho nhà đầu tư cá nhân (còn được gọi là quỹ bán lẻ): với đối tượng hướng tới là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, quỹ TTTT thuộc loại này thường không ấn định mức vốn tham gia tối thiểu, do đó bất kỳ cá nhân nào với số tiền khiêm tốn cũng có thể góp vốn vào quỹ để được hưởng những lợi ích mà quỹ TTTT mang lại. Ngoài ra, với các quỹ TTTT thuộc nhóm này, cơ quan quản lý có thể đưa ra những quy định mang tính đặc thù riêng nhằm bảo vệ đối tượng nhà đầu tư cá nhân – những người góp vốn vào quỹ và hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của quỹ.
Bên cạnh các phương thức phân loại chính đã đề cập, ở một số thị trường, quỹ TTTT còn có thể được phân loại theo đồng tiền ghi nhận của các tài sản trong danh mục đầu tư (ví dụ, quỹ TTTT ghi nhận bằng đồng đôla Mỹ, quỹ TTTT ghi nhận bằng đồng Euro, quỹ TTTT ghi nhận bằng đồng bảng Anh…), hay theo thời hạn của các tài sản – công cụ nắm giữ (ví dụ, quỹ TTTT ngắn hạn – chủ yếu đầu tư vào công cụ nợ/công cụ TTTT ngắn hạn với mục tiêu đem lại mức lợi suất TTTT và đảm bảo mức an toàn cao nhất có thể cho nhà đầu tư; quỹ TTTT chuẩn có mục tiêu đem lại mức sinh lời cao hơn mức lợi suất TTTT và do đó đầu tư vào các tài sản có thời gian đáo hạn dài hơn). Những cách phân loại này giúp nhà đầu tư có thêm góc nhìn đa chiều khi lựa chọn quỹ TTTT phù hợp với nhu cầu và chiến lược tài chính của mình.
Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC