
Bên cạnh tiêu chí phân loại theo loại hình tài sản, một cách phân loại quỹ TTTT phổ biến khác là phân loại theo phương pháp xác định giá trị tài sản ròng mà quỹ áp dụng. Tuỳ thuộc vào kỹ thuật hạch toán kế toán được sử dụng, quỹ TTTT có thể được phân thành hai nhóm: quỹ có giá trị tài sản ròng cố định (hay ổn định) và quỹ có giá trị tài sản ròng biến đổi (hay thả nổi). Trong đó, giá trị tài sản ròng (NAV) được tính bằng chênh lệch giữa tổng giá trị tài sản và tổng nợ của quỹ. Từ chỉ tiêu này, giá trị tài sản ròng tính trên một chứng chỉ quỹ được xác định bằng cách chia giá trị tài sản ròng cho số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành. NAV trên một chứng chỉ quỹ chính là mức giá nhà đầu tư phải trả hay nhận được khi mua, bán chứng chỉ quỹ (chưa tính các khoản phí có thể phát sinh khi giao dịch).
Quỹ TTTT có NAV cố định (constant net asset value, hay CNAV) là quỹ hoạt động với mục đích duy trì giá trị tài sản ròng của quỹ ổn định ở một mức nhất định không thay đổi (chẳng hạn, bằng 1 đôla ở thị trường Mỹ, 1euro ở thị trường châu Âu…). Điều này cho phép nhà đầu tư mua hoặc bán lại chứng chỉ quỹ với giá bằng nhau và đều bằng 1 số tiền cố định (tính trên một chứng chỉ quỹ). Nói cách khác, từ góc nhìn của nhà đầu tư, vốn của họ được bảo toàn khi giá trị họ nhận được ở thời điểm rút vốn không khác biệt với giá trị họ đã góp vào quỹ lúc ban đầu.
Quỹ CNAV sử dụng phương pháp kế toán chi phí phân bổ (amortized cost accounting) để định giá tất cả các tài sản của quỹ. Cụ thể, quỹ định giá một tài sản theo chi phí mua vào (giá gốc) và ghi giảm (hoặc tăng) phần giá trị phụ trội (hay chiết khấu) so với mệnh giá của tài sản - công cụ nợ (premium) theo nguyên tắc phân bổ đều trong suốt thời hạn của tài sản; do đó tài sản được định giá theo mệnh giá khi đáo hạn. Điều này có thể thực hiện được dựa trên giả định rằng các tài sản của quỹ về cơ bản có thời gian đáo hạn ngắn hoặc rất ngắn và đều được nắm giữ cho đến khi đáo hạn. Mặc dù vậy, để có cơ sở theo dõi và đối chiếu, quỹ CNAV thường định kỳ tính NAV (và NAV trên một chứng chỉ quỹ) theo giá thị trường. Nếu chênh lệch giữa NAV cố định và NAV xác định theo giá thị trường không vượt quá một giới hạn nhất định, mức giá cố định (NAV cố định) vẫn được áp dụng (công bố), nếu không những hành động cần thiết phải được thực hiện, bao gồm cả việc định giá lại chứng chỉ quỹ. Trên thị trường Mỹ, giới hạn dao động cho phép của NAV cố định chứng chỉ quỹ TTTT là 0,9950 USD – 1,0050 USD. Khi NAV trên một chứng chỉ quỹ giảm xuống dưới mức 0,9950 USD, quỹ được cho là rơi vào tình trạng “phá vỡ ngưỡng 1 đôla” (break the buck). Đây có thể là khởi nguồn cho việc bán tháo chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư, và quỹ có thể bị thanh lý trong trường hợp xấu nhất.
Các khoản tiền lãi thu được từ danh mục đầu tư của quỹ CNAV thường được cộng dồn và phân phối lại cho nhà đầu tư một cách thường xuyên, giúp mang lại dòng thu nhập đều đặn cho họ (mặc dù không phải không có những quỹ CNAV tái đầu tư tiền lãi nhận được thay vì chi trả cho nhà đầu tư). Bên cạnh việc tạo thêm sức hấp dẫn cho quỹ đối với nhà đầu tư, hành động này còn giúp việc theo dõi, tính toán NAV và duy trì giá trị NAV cố định được đơn giản, thuận lợi hơn. Ngoài ra, với giá trị NAV không đổi, nhà đầu tư dễ dàng thực hiện việc bán lại chứng chỉ quỹ và nhận tiền bán chứng chỉ từ quỹ ngay trong ngày, rút ngắn tối đa thời gian thanh toán.
Quỹ TTTT có NAV biến đổi (variable net asset value, hay VNAV) sử dụng phương pháp hạch toán theo giá thị trường (mark-to-market), tức là giá chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào giá trị thị trường của các tài sản mà quỹ nắm giữ (tức là giá trị nhận được khi giao dịch các tài sản đó trên thị trường). Thu nhập (từ tiền lãi các tài sản đầu tư) của quỹ được cộng dồn hàng ngày và thường được xem như một khoản lời vốn, phản ánh vào giá trị NAV tăng lên. Trong trường hợp này, NAV của quỹ không được duy trì ổn định và các nhà đầu tư muốn bán lại chứng chỉ quỹ sẽ nhận lại vốn theo NAV thực tế, có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với giá trị góp vào quỹ ban đầu. Nếu quỹ VNAV thực hiện việc định giá tài sản, và theo đó là tính toán NAV, vào cuối ngày giao dịch (sau khi thị trường đóng cửa), việc bán lại chứng chỉ quỹ chỉ có thể được hoàn tất tối thiểu vào ngày hôm sau. Xét trên khía cạnh thanh khoản đối với nhà đầu tư, đây dường như là điểm bất lợi hơn của quỹ VNAV so với quỹ CNAV.
Trên thực tế, và thường là tuỳ theo quy định pháp lý của mỗi quốc gia (vùng lãnh thổ), vẫn tồn tại những quỹ TTTT sử dụng đồng thời cả hai phương pháp hạch toán kế toán nói trên. Một ví dụ điển hình là quỹ TTTT với NAV có mức độ biến động thấp (low volatility net asset value, hay LVNAV) ở thị trường châu Âu (EU). Quỹ này có thể áp dụng phương pháp định giá theo chi phí phân bổ đối với những tài sản có thời gian còn lại đến khi đáo hạn không quá 75 ngày. Tuy nhiên, khi chênh lệch giữa giá trị thị trường của một tài sản bất kỳ và giá trị định giá theo phương pháp chi phí phân bổ của tài sản đó chênh lệch quá 0,10%, giá của tài sản phải được xác định theo giá trị thị trường. Ngoài ra, quỹ LVNAV chỉ được chào bán hoặc thu hồi chứng chỉ quỹ theo NAV cố định nếu giá (chứng chỉ quỹ) không chênh lệch quá 0,20% so với NAV theo giá thị trường tính trên mỗi chứng chỉ quỹ của chính quỹ đó.
Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC