Tìm hiểu về quỹ thị trường tiền tệ (Phần 2)

Dựa trên các nội dung đã phân tích ở phần trước, có thể nhận thấy rằng quỹ thị trường tiền tệ (TTTT) sở hữu nhiều đặc điểm nổi bật và đáng chú ý.

Đầu tiên, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ thường được cấu trúc dưới dạng quỹ mở. Theo đó, chứng chỉ quỹ có thể được mua vào, bán ra liên tục, tạo sự linh hoạt trong quá trình rót vốn, rút vốn cho nhà đầu tư. Tương tự như với các quỹ đầu tư dạng mở khác, chứng chỉ quỹ đầu tư vào công cụ TTTT không được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán mà được mua, bán trực tiếp giữa nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ. Theo đó, dòng vốn của quỹ TTTT thường xuyên biến động (tăng lên khi nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ, giảm xuống khi nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ cho công ty quản lý quỹ) và điều này cũng có thể xảy ra với danh mục đầu tư của quỹ như một hệ quả tất yếu. Điều này khiến quỹ TTTT cũng đối mặt với rủi ro thanh khoản tương tự như bất kỳ quỹ mở nào (bao gồm khả năng chuyển đổi các tài sản trong danh mục đầu tư thành tiền và khả năng thực hiện nghĩa vụ với các nhà đầu tư có nhu cầu rút vốn).

Thứ hai, một trong những đặc điểm đáng chú ý khác của quỹ TTTT là quỹ được quản lý theo kiểu chủ động. Khác với phương thức quản lý (danh mục đầu tư) thụ động được thực hiện bằng việc sao chép, mô phỏng cấu trúc của một chỉ số nhất định nhằm tìm kiếm kết quả đầu tư tương tự mức sinh lời của chỉ số đó, danh mục đầu tư của quỹ TTTT được xây dựng nhằm đạt được các mục đích cụ thể của quỹ (trong trường hợp này, mục đích quan trọng nhất là bảo toàn vốn của quỹ và quản lý tốt rủi ro thanh khoản). Nhà quản lý quỹ sẽ chủ động điều chỉnh danh mục đầu tư của quỹ giữa các công cụ đầu tư khác nhau, các tổ chức phát hành khác nhau tuỳ theo diễn biến (về lãi suất) trên thị trường hoặc thay đổi chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành. Thời hạn của các khoản đầu tư và có thể là thời gian đáo hạn bình quân (duration) của danh mục đầu tư quỹ nắm giữ cũng có thể được điều chỉnh khi cần thiết hay để phù hợp với dòng tiền vào, ra của quỹ. Một tình huống khá phổ biến có thể thấy ở các quỹ TTTT là tỷ trọng tài sản có tính thanh khoản cao thường có xu hướng tăng lên trong những thời kỳ thị trường biến động mạnh hoặc có nhiều dấu hiệu cho thấy sự bất ổn.

Thứ ba, quỹ TTTT tập trung vào mục tiêu bảo toàn vốn thông qua việc đầu tư vào các chứng khoán ngắn hạn và chất lượng cao. Đây không chỉ là một đặc tính nổi bật mà còn là một lợi ích quan trọng của quỹ TTTT. Về lý thuyết, bảo toàn vốn là một chiến lược đầu tư nhằm bảo vệ giá trị khoản vốn gốc và hạn chế thua lỗ xảy ra đối với danh mục. Chiến lược này thường phù hợp với những nhà đầu tư ngại rủi ro và kỳ đầu tư ngắn – những người mà sự an toàn đối với họ quan trọng hơn lợi nhuận tiềm năng. Biện pháp cơ bản để thực hiện chiến lược bảo toàn vốn là đầu tư vào những tài sản có độ an toàn cao, thời gian thu hồi vốn ngắn và giá trị nhận lại khi đến hạn được xác định trước và đảm bảo một cách chắc chắn. Quỹ TTTT là một phương thức đơn giản hơn để hiện thức hóa chiến lược này do đây là loại quỹ đầu tư chuyên nắm giữ những tài sản phù hợp với những tiêu chí vừa đề cập. Dĩ nhiên, cần xác định rõ rằng bảo toàn vốn là mục tiêu của quỹ TTTT, tức là những nỗ lực cao nhất cần phải được cam kết từ phía công ty quản lý quỹ để đạt được điều này; song nó không đồng nghĩa với việc công ty quản lý quỹ bảo đảm một cách chắc chắc với nhà đầu tư rằng vốn đầu tư của họ vào quỹ sẽ được bảo toàn không suy suyển. Rủi ro luôn là một yếu tố tiềm tàng và mục tiêu ban đầu vẫn có khả năng không đạt được như mong muốn.

Thứ tư, đây là công cụ đầu tư có tính thanh khoản cao. Hiểu theo nghĩa chung nhất, thanh khoản đề cập đến sự sẵn có tiền để chi tiêu hoặc để đáp ứng các nhu cầu tiền tệ trong những tình huống nhất định. Trong lĩnh vực đầu tư, thanh khoản tốt có nghĩa là nhà đầu tư có thể tiếp cận được với tiền của mình khi cần, theo đó yếu tố quan trọng để đánh giá tính thanh khoản là thời gian cần thiết để chuyển tài sản đầu tư thành tiền mà không ảnh hưởng đáng kể đến giá trị (nhận được của) tài sản. Với tính chất là quỹ đầu tư dạng mở, thanh khoản của quỹ TTTT càng có ý nghĩa quan trọng đối với nhà đầu tư. Quỹ phải đáp ứng được yêu cầu rút vốn của nhà đầu tư thông qua các giao dịch bán lại chứng chỉ quỹ của họ mà không làm ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của các nhà đầu tư còn lại của quỹ. Nhìn chung, với việc đầu tư vào các chứng khoán có thời hạn ngắn và chất lượng cao, có khả năng thanh lý nhanh trên thị trường, quỹ TTTT là sản phẩm có tính thanh khoản tốt và đây là một đặc điểm quan trọng, có sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Nhìn chung, ở các thị trường phát triển, quỹ TTTT đều cho phép nhà đầu tư tiếp cận với tiền vốn của mình ngay trong ngày yêu cầu bán lại chứng chỉ quỹ được đưa ra (thời gian thanh toán T+0), hoặc chỉ sau đó một ngày (T+1) trong một số trường hợp nhất định.

Thứ năm, cũng như các quỹ đầu tư nói chung, quỹ TTTT cũng tuân thủ nguyên tắc đa dạng hoá (trong đầu tư). Thậm chí, đây còn là đặc tính quan trọng và có ý nghĩa sống còn giúp quỹ đạt được các mục tiêu về bảo toàn vốn và đảm bảo tính thanh khoản. Danh mục đầu tư của quỹ TTTT gồm nhiều loại chứng khoán với thời gian đáo hạn và tổ chức phát hành khác nhau, tuy nhiên những công cụ có mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất vẫn được xem là ưu tiên chính. Những biện pháp nhất định có thể được quỹ thực hiện để kiểm soát rủi ro tập trung hoá, chẳng hạn như đưa ra giới hạn tỷ lệ nắm giữ tối đa đối với chứng khoán của một tổ chức phát hành cụ thể (mặc dù vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn với công cụ nợ của Chính phủ). Điều này giúp nhà đầu tư vượt qua được những bất lợi hẳn nhiên sẽ tồn tại nếu họ phải thực hiện việc tự đầu tư với số vốn hạn chế.

           Cuối cùng, so với các quỹ đầu tư khác như quỹ trái phiếu hay cổ phiếu, quỹ TTTT rõ ràng có mức độ rủi ro thấp hơn đáng kể. Do tài sản đầu tư của quỹ TTTT đều là những công cụ có thời hạn ngắn và chất lượng cao, quỹ ít chịu tác động hơn từ những biến động trên thị trường. Bên cạnh đó, thực tiễn ở nhiều nước cho thấy quỹ thường cũng phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về quản lý rủi ro, nhất là rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng. Vì vậy, đứng từ giác độ nhà đầu tư, có thể coi quỹ TTTT là loại sản phẩm có mức độ an toàn cao mặc dù không được áp dụng cơ chế bảo hiểm (trong một giới hạn nhất định) như các khoản tiền gửi ngân hàng.

Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC

Related Posts
    Investor Knowledge Quiz
    A quick check for your understanding of securities and securities market
    Survey question
    What your level of understanding about securities and investing?
    • Head Office:
    • Address: No 234 Luong The Vinh str, Trung Van Ward, Nam Tu Liem District, Hanoi
    • Tel:        (84-24) 3553 5870 (Administration Dep’t)

                    (84-24) 3553 5874 (Training Dep’t)

    • Fax:       (84-24) 3553 5869
    • Branch in Ho Chi Minh City:
    • Address: No 264B - Le Van Sy str, Ward 14, District 3, Ho Chi Minh City
    • Tel:        (84-28) 3930 9040 (Administration Dep’t)

                    (84-28) 3930 9042 (Training Dep’t)

    • Fax:       (84-28) 3930 9040