Mặc dù có những lợi ích không thể phủ nhận và tiềm năng vô cùng to lớn, việc thực hành ESG phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn cả từ góc độ doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn các cơ quan quản lý.
Đối với doanh nghiệp
Thách thức đầu tiên đối với doanh nghiệp nằm ở việc xây dựng và triển khai chiến lược ESG. Làm thế nào để xác định được khung khổ thực thi phù hợp, theo dõi và đo lường kết quả thực hiện, tiếp cận và phân tích dữ liệu, nắm bắt quan điểm của các bên liên quan, hình dung và kiểm soát các rủi ro? Đây đều là những vấn đề phức tạp và liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Bên cạnh đó, các vấn đề ESG đều có tính động, không ngừng biến đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự thích ứng và điều chỉnh linh hoạt về phương pháp tiếp cận. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc thực hiện ESG đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và các nguồn lực, yếu tố không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng cân đối và đáp ứng được ngay, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, một thách thức khác đối với doanh nghiệp là báo cáo ESG. Sự tồn tại đồng thời của nhiều khung khổ và chuẩn mực báo cáo ESG khác nhau cũng gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và các tiêu chí chấm điểm/ xếp hạng ESG, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải lựa chọn và sử dụng không phải một mà là nhiều khung khổ/ chuẩn mực báo cáo ESG cùng lúc, làm gia tăng khối lượng công việc và các chi phí có thể phát sinh. Không những thế, để đảm bảo việc công bố thông tin tự nguyện hoặc bắt buộc theo quy định của cơ quan quản lý và phục vụ chính nhu cầu quản trị nội bộ của mình, các doanh nghiệp phải quản lý lượng dữ liệu phức tạp; đo lường, theo dõi, tổng hợp và phân tích, đánh giá nhiều chỉ tiêu ESG khác nhau thu thập từ nhiều bộ phận trong doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có cách thức tổ chức triển khai, ứng dụng công nghệ phù hợp để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của việc quản lý dữ liệu.
Đối với nhà đầu tư
Phân tích ESG là một nội dung quan trọng trong quá trình đầu tư theo ESG. Để đảm bảo chất lượng phân tích, chất lượng của thông tin, dữ liệu sử dụng là yếu tố có vai trò quyết định. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các dữ liệu chính xác, đầy đủ và đáng tin cậy về ESG được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư. Thông tin về ESG được thể hiện dưới nhiều dạng, đến từ nhiều nguồn và cần phải được cập nhật liên tục. Trong khi đó, hoạt động báo cáo ESG của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được chuẩn hóa và cải thiện, trong đó bao gồm cả hành vi báo cáo thiếu trung thực (tẩy xanh) có thể làm gia tăng tâm lý e ngại của nhà đầu tư nếu không được giải quyết một cách triệt để.
Dịch vụ xếp hạng ESG được cung cấp bởi bên thứ ba độc lập có thể là một công cụ hỗ trợ hữu ích mà nhà đầu tư có thể sử dụng nhằm đánh giá, so sánh việc thực hành ESG giữa các tổ chức phát hành hay sàng lọc, lựa chọn các đối tượng đưa vào danh mục đầu tư. Mặc dầu vậy, vấn đề xếp hạng ESG vẫn còn tồn tại không ít điểm hạn chế như đã đề cập ở phần trước khiến cho công cụ này chưa thực sự phát huy được hết những tác dụng đáng mong muốn của nó, chưa nói đến việc nó còn có thể gây bối rối cho nhà đầu tư.
Nguồn: Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học - SRTC