Nhà đầu tư tổ chức có thể áp dụng những chiến lược đầu tư khác nhau khi muốn tích hợp các nhân tố ESG vào quá trình xây dựng danh mục đầu tư. Theo OECD (2017), có thể kể đến những chiến lược như:
- Sàng lọc: sàng lọc loại trừ là phương pháp đầu tư theo ESG được áp dụng rất phổ biến. Cụ thể, dựa vào một hoặc một vài đặc điểm ESG, người ta sẽ lập ra một “danh sách đen” các lĩnh vực hoặc công ty không đầu tư. Phương pháp này có chi phí thấp và dễ thực hiện.
- Tích hợp chung các nhân tố ESG: đòi hỏi đưa các yếu tố rủi ro và cơ hội liên quan đến ESG vào quá trình phân tích đầu tư một cách có hệ thống và cụ thể. Đây có thể là một chiến lược tốn kém hơn vì nhà đầu tư phải thuê chuyên gia phân tích riêng hoặc mua các dữ liệu cần thiết.
- Chọn cái tốt nhất: là một dạng sàng lọc toàn diện. Nhà đầu tư không loại bỏ bất kỳ ngành hay lĩnh vực nào ra khỏi tập hợp các khoản đầu tư được xem xét, nhưng chỉ đưa vào danh mục đầu tư của mình những công ty thực hành tốt nhất các tiêu chí ESG trong mỗi ngành/ lĩnh vực. Một phiên bản khác của phương pháp đầu tư này là loại ra khỏi danh mục dự kiến những công ty có điểm đánh giá ESG thấp hơn một mức ngưỡng được xác định trước bất kể lĩnh vực kinh doanh của công ty đó là gì.
- Đầu tư theo chủ đề: lựa chọn một chủ đề cụ thể liên quan đến ESG (ví dụ, nguồn cung nước) và xây dựng danh mục đầu tư chuyên biệt chỉ gồm những chứng khoán liên quan đến chủ đề đó.
- Thoái vốn: là phiên bản đối lập của đầu tư theo chủ đề, trong đó nhà đầu tư bán đi toàn bộ chứng khoán đang nắm giữ thuộc một ngành hay lĩnh vực nào đó. Nhiều nhà đầu tư tổ chức đã bán hết các cổ phiếu ngành than vì những rủi ro môi trường rất lớn mà ngành này đối mặt. Đây cũng có thể được xem là phương pháp sàng lọc hồi tố.
- Tham gia: tham gia, hay sở hữu chủ động, là chiến lược trong đó nhà đầu tư tổ chức cố gắng sử dụng phần vốn góp cổ phần của mình trong công ty để tác động đến chiến lược của công ty đó. Khác với hình thức thoái vốn, thay vì bán hết chứng khoán mà mình đang nắm giữ trong công ty, nhà đầu tư giữ lại quyền sở hữu và tìm cách thuyết phục ban quản lý áp dụng những chính sách ESG tích cực hơn. Nhà đầu tư có thể đưa các chuyên gia quản trị công ty của mình vào tham gia hội đồng quản trị công ty hoặc sử dụng dịch vụ uỷ quyền.
Các chiến lược sàng lọc, thoái vốn và đầu tư theo chủ đề liên quan đến việc xoay chuyển danh mục đầu tư để nghiêng về những đặc tính ESG mong muốn bằng cách tăng (hoặc giảm) tỷ trọng của các ngành hoặc doanh nghiệp thực hiện tốt (hay không tốt) trong những lĩnh vực đó. Nhà đầu tư tổ chức có thể thấy điều này mâu thuẫn với nghĩa vụ đầu tư cẩn trọng của họ, vì điều này đòi hỏi chệch ra khỏi các danh mục tham chiếu đã được chấp nhận.
Trên thực tế, việc thực thi chiến lược đầu tư ESG có thể phải đối mặt với một số khó khăn, cụ thể như:
- Phân tích ESG phải được tiến hành cùng với phân tích tài chính và có thể được xem là một bộ phận cấu thành của phương pháp phân tích cơ bản. Tuy nhiên, việc hiểu được ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro và cơ hội liên quan đến ESG ở cấp độ công ty, từ đó đưa các yếu tố này vào các mô hình tài chính, không hề đơn giản vì những nguyên nhân sau đây:
(i) Sự sẵn có của dữ liệu: phân tích đầu tư bị hạn chế bởi những thông tin do công ty công bố, vốn dĩ có thể không ổn định về chất lượng và phạm vi. Nó cũng bị hạn chế bởi mức độ am hiểu của nhà đầu tư về dữ liệu và những chỉ tiêu liên quan đến một trường hợp đầu tư cụ thể (hay nói cách khác là mức độ quan trọng hay tác động của dữ liệu đến những công ty khác nhau có thể hoàn toàn không giống nhau). Nhận thức được điều này, cả những nhà làm chính sách và khu vực tư nhân ở nhiều thị trường đều đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận về mức độ và loại thông tin các công ty cần công bố.
(ii) Vấn đề mô hình hoá: các nhân tố ESG không nhất thiết phải được kết hợp vào trong các mô hình tài chính truyền thống vì không phải lúc nào chúng cũng gây tác động tài chính trong ngắn hạn. Hơn nữa, hầu hết các mô hình phân tích tài chính đều dùng phương pháp ngoại suy từ dữ liệu quá khứ, nên có thể ít phù hợp khi sử dụng để dự báo kết quả trong tương lai có liên quan đến các vấn đề ESG (ví dụ, do chính sách của công ty có thể sẽ thay đổi khiến các chỉ tiêu ESG đo lường được sau này sẽ khác đi, hay một đổi mới mang tính đột phá về công nghệ có thể sẽ ra đời).
(iii) Kỹ thuật định giá: nhà đầu tư cổ phiếu có thể điều chỉnh mô hình định giá công ty khi có sự hiện diện của các nhân tố ESG theo nhiều cách, song dù lựa chọn thế nào cũng sẽ có những câu hỏi được đặt ra. Nếu thay đổi lãi suất chiết khấu thì mức chiếu khấu nào sẽ cần được áp dụng cho những loại rủi ro ESG khác nhau? Nếu áp dụng hệ số nhân cao hơn hoặc thấp hơn cho các hệ số định giá như giá trên thu nhập (P/E) hay giá trên giá trị sổ sách (P/BV) thì có khả năng dẫn đến việc tính trùng nếu các nhân tố ESG đã được phản ánh phần nào vào giá thị trường hay không?
Thêm vào đó, vấn đề còn phức tạp hơn do thiếu dữ liệu và các thước đo rủi ro mang tính chuẩn hoá. Chẳng hạn, các khung khổ báo cáo khí hậu áp dụng cho doanh nghiệp thường chỉ tập trung vào các công ty có quy mô vốn hoá lớn mà bỏ qua các công ty chưa nhiêm yết, hay chuẩn mực kế toán về carbon cho phép các công ty báo cáo sử dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến khó so sánh…
- Các nhà đầu tư tổ chức phải tốn thêm chi phí để tự đào tạo hoặc thuê ngoài chuyên gia có đủ chuyên môn để quản lý việc tích hợp ESG vào chiến lược đầu tư, cũng như để giám sát các chuyên gia quản lý quỹ triển khai các chiến lược này. Bên cạnh đó là những chi phí thực thi liên quan đến những khoản mục như nghiên cứu, mua dữ liệu, giám sát, kiểm soát và báo cáo.
Nguồn: Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học-SRTC