
Rủi ro là gì?
Rủi ro là một yếu tố luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong lĩnh vực đầu tư, yếu tố này càng được thể hiện rõ vì số tiền bạn bỏ ra ban đầu có thể sẽ sinh sôi nảy nở, song cũng có khả năng sẽ bị mất mát và giảm đi vì lý do nào đó. Một ví dụ đơn giản, nếu bạn bỏ tiền đầu tư vào một công ty mới thành lập nhưng được đánh giá là có nhiều triển vọng, bạn có thể sẽ thu về khoản tiền rất lớn nếu công ty đó phát triển thành công. Ngược lại, bạn sẽ thua lỗ, thậm chí mất toàn bộ số vốn ban đầu nếu công ty không cạnh tranh nổi với các công ty đã có tên tuổi khác dẫn đến bị phá sản. Ngay cả với một công ty đang hoạt động hiệu quả, những sự cố bất ngờ nảy sinh cũng có thể khiến kết quả kinh doanh trồi sụt bất thường, gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Về lý thuyết, khả năng mức sinh lời thực tế nhận được từ khoản đầu tư không giống như kỳ vọng chính là rủi ro. Trên thực tế, cũng không có gì đảm bảo rằng mức sinh lời mà một tài sản, chẳng hạn 15%/năm của cổ phiếu A, đạt được trong năm trước sẽ được lặp lại vào năm sau.
Chính vì vậy, khi mua và nắm giữ các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, hay bỏ tiền vào các quỹ đầu tư, nhà đầu tư phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở một mức độ nào đó. Việc chấp nhận rủi ro không có nghĩa là luôn luôn mạo hiểm mà không màng đến kết quả, cũng không phải là chịu đầu hàng trước mọi biến động có thể xảy ra vì có những yếu tố rủi ro hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm thiểu được nếu nhà đầu tư có kiến thức đầy đủ và chiến lược thích hợp.
Rủi ro được đo lường như thế nào?
Rủi ro là một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi xem xét một khoản đầu tư. Nhà đầu tư cần biết được cổ phiếu mình dự định mua và nắm giữ có mức độ rủi ro cao hay thấp, và quan trọng hơn là mức rủi ro đó có phù hợp với khả năng chấp nhận của nhà đầu tư. Rõ ràng, trên thị trường sẽ có rất nhiều nhà đầu tư khác nhau và thái độ của mỗi người với rủi ro cũng hoàn toàn khác biệt – có người muốn né tránh rủi ro, có người chỉ lựa chọn những khoản đầu tư có độ rủi ro vừa phải, nhưng cũng có những người sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Việc lượng hóa rủi ro sẽ giúp nhà đầu tư dễ so sánh và đưa ra quyết định hơn.
Thước đo rủi ro đầu tiên thường được sử dụng trong tài chính là độ biến động mức sinh lời (của cổ phiếu). Được phản ánh qua đại lượng thống kê “độ lệch chuẩn của mức sinh lời”, độ biến động cho biết độ chệch của mức sinh lời đầu tư so với mức sinh lời bình quân. Độ chệch này càng lớn, rủi ro của khoản đầu tư càng cao. Ví dụ, một cổ phiếu có độ biến động mức sinh lời là 20%, tức là mức sinh lời thực tế đạt được chênh lệch 20% so với mức sinh lời trung bình (hoặc được kỳ vọng); có nghĩa là nếu bạn dự kiến cổ phiếu này sẽ có mức sinh lời trung bình 15%, mức sinh lời trên thực tế có thể dao động trong phạm vi 15%±20% (hay là trong khoảng -5% đến 35%). Cổ phiếu này được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với một cổ phiếu chỉ có độ biến động 10% (vì cùng với mức sinh lời trung bình dự báo 15%, khoảng dao động chỉ là ±10%, hay là 5% - 25%). Tuy nhiên, điều cần chú ý khi sử dụng thước đo này là độ lệch chuẩn mức sinh lời chủ yếu được tính toán sử dụng số liệu biến động giá trong quá khứ, do đó không có gì đảm bảo là nó sẽ phản ánh chính xác mức độ rủi ro của tài sản đầu tư trong tương lai.
Một thước đo khác cũng thường được dùng để đo lường rủi ro là hệ số beta. Trong trường hợp này, beta đo lường mức độ biến động của cổ phiếu so với thị trường và phản ánh rủi ro hệ thống - yếu tố mà ta đã đề cập ở phần trên. Thông thường, đại diện cho thị trường là một chỉ số cổ phiếu chung (ví dụ như VN-Index hay HNX-Index chẳng hạn). Nếu beta của cổ phiếu bằng 1, cổ phiếu đó có độ biến động bằng mức bình quân của tất cả các cổ phiếu trên thị trường. Cổ phiếu được coi là biến động mạnh hơn thị trường nếu có beta lớn hơn 1, và beta càng lớn thì độ biến động của cổ phiếu càng lớn. Ngược lại, beta cổ phiếu càng nhỏ thì cổ phiếu càng ít biến động hơn so với thị trường nói chung. Ví dụ, một cổ phiếu có beta là 1,5 cho thấy nó có khả năng biến động cao hơn 50% so với mức biến động của các cổ phiếu nói chung. Theo đó, nếu thị trường tăng giá 10%, cổ phiếu này sẽ tăng giá với mức 15%. Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp giá giảm.
Với tính chất như vậy của hệ số beta, nhà đầu tư có thể sử dụng beta như là một tiêu chí xem xét trong quá trình lựa chọn đầu tư. Nếu ngại rủi ro, nhà đầu tư có thể chọn những cổ phiếu có hệ số beta thấp, trong khi những nhà đầu tư ưa mạo hiểm hơn có thể lại tìm kiếm những cổ phiếu có hệ số beta cao vốn tiềm ẩn khả năng đem lại mức sinh lời lớn hơn khi giá cổ phiếu biến động theo hướng tăng lên.