Một số mô hình đầu tư không an toàn


A - Mô hình Ponzi

Mô hình Ponzi được đặt theo tên của Charles Ponzi – người đã sử dụng mô hình này một cách xuất sắc và khiến cả nước Mỹ chấn động vào thời điểm đó. Năm 1919, Ponzi đã lập công ty mang tên “Securities Exchange Company” ở Boston và huy động vốn của nhà đầu tư với mức lãi suất không tưởng: 50% sau 45 ngày, điều này có nghĩa là chỉ sau hơn 1 tháng, nhà đầu tư có thể nhận lại số tiền lãi bằng một nửa số vốn gốc đã bỏ ra. Để thu hút nhà đầu tư, Ponzi đã liên tục trả lãi đúng kì hạn bằng cách lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước đồng thời bỏ túi nhiều triệu USD. Cho đến khi đổ bể, vụ lừa đảo này đã làm nhà đầu tư mất trắng 8 triệu USD, đồng thời khiến 6 ngân hàng phá sản.


Ngày nay, mô hình Ponzi thường để chỉ hoạt động đầu tư có đặc điểm sau:

  • Được hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn với rủi ro thấp;
  • Nhà đầu tư trực tiếp đầu tư bằng tiền hoặc tài sản có tính thanh khoản cao;
  • Tiền của nhà đầu tư tham gia sau sẽ được dùng để trả lợi tức cho nhà đầu tư tham gia trước;
  • Nhà đầu tư thường  được hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích lớn bằng cách mời gọi các nhà đầu tư mới (bằng tiền hoa hồng hoặc thăng hạng của nhà đầu tư trong hệ thống đầu tư).

 

Một dạng hoạt động đầu tư không an toàn khác có nhiều đặc điểm tương đồng với mô hình Ponzi là mô hình kim tự tháp (Pyramid scheme). Cả hai mô hình đều hoạt động dưới nguyên tắc “lấy của người vào sau trả cho người vào trước”. Tuy nhiên cách “lấy của người vào sau trả cho người vào trước” của hai mô hình là hoàn toàn khác nhau. Ở mô hình Ponzi, nhà đầu tư đầu tư trực tiếp bằng tiền và tin rằng tiền sẽ được chuyển cho người điều khiển mô hình Ponzi để kinh doanh rồi sẽ phân bổ lại phần lãi cho từng nhà đầu tư. Còn ở mô hình kim tự tháp, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ số nhà đầu tư mới mà họ mời gọi được thông qua việc bán một loại hàng hóa – điều này có nghĩa là người đứng đầu mô hình kim tự tháp sẽ không tiếp cận được tất cả các dòng tiền trong hệ thống trong khi người điều khiển mô hình Ponzi có khả năng tiếp cận mọi dòng tiền trong hệ thống. Trên thế giới, trong khi mô hình Ponzi hoàn toàn bị coi là bất hợp pháp thi mô hình kim tự tháp vẫn được coi là hợp pháp chừng nào nó vẫn còn hoạt động dựa trên một loại hàng hóa nào đó.


Rủi ro của nhà đầu tư

Trái với lời tuyên bố về rủi ro thấp và sự ổn định của mô hình trong tương lai, những nhà đầu tư tham gia vào mô hình Ponzi luôn phải đối mặt với nguy cơ mô hình sụp đổ. Mô hình này sẽ sụp đổ trong các trường hợp sau:

  • Do hoạt động theo nguyên tắc “lấy của người vào sau trả cho người vào trước” nên mô hình sẽ gặp vấn đề ngay khi số tiền của người mới tham gia vào không còn đủ để chi trả cho số lợi tức khổng lồ mà mô hình hứa hẹn;
  • Có nhà đầu tư rút một lượng tiền lớn, điều này khiến cho người điều khiển mô hình mất thanh khoản và không có khả năng thanh toán tiền cho người rút tiền hoặc cho các nhà đầu tư khác;
  • Vụ việc đổ bể hoặc người điều khiển mô hình nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để “cầm tiền và chạy”.

Chính vì những lý do này mà hầu hết những người tham gia sau vào mô hình Ponzi đều thua lỗ, ngay cả chính những người tham gia đầu tiên cũng khó có thể có lời khi họ thường xuyên lấy phần lợi tức nhận được tiếp tục đầu tư vào mô hình.


B - Hoạt động đưa thông tin sai lệch nhằm thu hút đầu tư

Thông tin mà nhà đầu tư nhận được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của họ, chính vì vậy đưa thông tin sai lệch là hình thức gian lận tài chính khá phổ biến trên thế giới hiện nay.

Ngược trở lại về những năm đầu thế kỉ 21, tập đoàn ENRON – ngôi sao sáng của nền kinh tế Mỹ lúc bấy giờ đã liên kết với công ty kiểm toán Arthur Andersen che dấu các khoản lỗ lên tới hàng tỷ USD của mình trong nhiều năm liền. Và đến khi không thể che dấu được những khoản thua lỗ khổng lồ nữa, cổ phiếu của ENRON tụt giá từ hơn 90USD/cp xuống còn 0,6USD/cp sau không đầy một năm và ENRON đã phải xin chính thức xin bảo hộ phá sản vào ngày 02/12/2001. Với số tài sản lên tới 63,4 tỷ USD, vụ việc của ENRON được đánh dấu như là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ tính tới thời điểm đó, nó làm hàng ngàn người mất việc, xóa sổ tài sản hưu trí trị giá hàng tỷ USD của nhân viên và làm mất trắng hơn 40 tỷ USD của nhà đầu tư từ sự sụt giảm giá trị cổ phiếu.

Để thu hút nhà đầu tư mua các chứng chỉ tiền gửi do ngân hàng Stanford International Bank phát hành, bên cạnh mức lãi suất hấp dẫn từ 11,5% đến 16,5%, tỷ phú Allen Stanford đã xây dựng cho mình một vỏ bọc dối trá. Allen nói rằng Stanford International Bank được thành lập từ hơn 70 năm trước bởi ông nội của mình (thực tế cho đến khi Allen Stanford bị bắt, ngân hàng này mới thành lập được 24 năm), chính vì vậy ông ta và gia đình có thừa kinh nghiệm và biết được những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp mà ít ai biết đến. Ngoài ra ông ta cũng tự nhận trên một tạp chí (do chính Stanford Financial Group sở hữu) rằng ông ta là cháu ba đời của Leland Stanford – người đã sáng lập nên đại học Stanford danh giá. Việc đánh bóng tên tuổi, uy tín bằng những thông tin giả mạo khiến cho Allen Stanford đã dễ dàng lấy được lòng tin của nhà đầu tư và thuận lợi thực hiện trò hút vốn bằng mô hình Ponzi.

Ở vụ bê bối khí thải của Volkswagen, giá trị cổ phiếu của hãng xe Đức đã giảm hơn 20% và làm “bốc hơi” hàng tỷ đô của nhà đầu tư chỉ sau đúng 1 ngày hãng này chính thức thừa nhận cáo buộc sử dụng phần mềm nhằm gian lận bài kiểm tra khí thải của động cơ diesel tại Mỹ. Trên toàn thế giới và ngay chính tại Việt Nam, việc một công ty giả mạo hình ảnh và số liệu của công ty khác với cái tên gần giống nhằm thu hút vốn đầu tư cũng không phải chuyện hiếm gặp.


Các hình thức đưa thông tin sai lệch thường gặp

  • Ngụy tạo thông tin, xây dựng những dự án, công ty “ma” không hề tồn tại hay có thông tin sai lệch.
  • Sử dụng các thủ thuật kế toán để gian lận số liệu kế toán, kiểm toán nhằm che dấu thông tin tiêu cực, làm đẹp sổ sách.

Rủi ro của nhà đầu tư

Khó có thể nói chính xác nhà đầu tư sẽ gặp những rủi ro gì khi tham gia một hoạt động đầu tư có thông tin sai lệch vì nó còn tùy thuộc vào tính chất của thông tin đó; nhưng tựu chung, ta có thể chỉ ra những điểm chung sau:

  • Với kì vọng cao từ những thông tin nhận được, thông thường nhà đầu tư sẽ bỏ ra một chi phí lớn hơn giá trị thực tế của khoản đầu tư. Ví dụ với nhà đầu tư cổ phiếu, đó chính là việc bỏ ra số tiền lớn hơn giá trị thực tế, giá trị thị trường hiện tại để mua cổ phiếu.
  • Nhà đầu tư khó có thể phát hiện sớm hay phòng tránh một hoạt động đầu tư có thông tin sai lệch được thực hiện một cách tinh vi. Thông thường, các vụ việc trên đều do cơ quan chức năng tiến hành điều tra và và phát hiện.
  • Khi thông tin chính xác được công bố thì nó kéo theo làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư. Cổ phiếu của Volkswagen hay Mitsubishi đều tụt giá hàng chục phần trăm, người sở hữu cổ phiếu của ENRON hay WorldCom gần như mất trắng. Số tiền ít ỏi còn lại sau vụ lừa đảo của Allen Stanford thì bị đóng băng và phải mất nhiều năm mới có thể hoàn trả cho các nhà đầu tư một phần không đáng kể.
Related Posts
    Investor Knowledge Quiz
    A quick check for your understanding of securities and securities market
    Survey question
    What your level of understanding about securities and investing?
    • Head Office:
    • Address: No 234 Luong The Vinh str, Trung Van Ward, Nam Tu Liem District, Hanoi
    • Tel:        (84-24) 3553 5870 (Administration Dep’t)

                    (84-24) 3553 5874 (Training Dep’t)

    • Fax:       (84-24) 3553 5869
    • Branch in Ho Chi Minh City:
    • Address: No 264B - Le Van Sy str, Ward 14, District 3, Ho Chi Minh City
    • Tel:        (84-28) 3930 9040 (Administration Dep’t)

                    (84-28) 3930 9042 (Training Dep’t)

    • Fax:       (84-28) 3930 9040