
Về cơ bản, quyền chọn có hai loại – quyền chọn mua và quyền chọn bán. Mỗi loại quyền chọn này là một công cụ riêng biệt và nhà đầu tư có thể giao dịch chúng trong vai trò người mua hay người bán. Như vậy, tùy theo nhu cầu và kỳ vọng của mình về biến động giá tài sản cơ sở, nhà đầu tư trên thị trường quyền chọn có thể giữ những vị thế cơ bản sau đây:
(1) Mua quyền chọn mua: có quyền mua tài sản cơ sở với giá xác định trong tương lai
(2) Bán quyền chọn mua: có nghĩa vụ bán tài sản cơ sở theo giá xác định trong tương lai (hay là trở thành đối tác của bên mua quyền chọn mua)
(3) Mua quyền chọn bán: có quyền bán tài sản cơ sở với giá xác định trong tương lai
(4) Bán quyền chọn bán: có nghĩa vụ mua tài sản cơ sở theo giá xác định trong tương lai (hay là trở thành đối tác của bên mua quyền chọn bán).
Có thể thấy, trong khi bên giữ vị thế mua của hợp đồng quyền chọn có quyền lựa chọn sẽ thực hiện hay không thực hiện giao dịch (mua tài sản cơ sở đối với quyền chọn mua và bán tài sản cơ sở đối với quyền chọn bán) khi đáo hạn hợp đồng (hoặc trong thời gian hiệu lực của hợp đồng nếu là quyền chọn kiểu Mỹ), bên giữ vị thế bán của hợp đồng quyền chọn lại có nghĩa vụ hoàn tất giao dịch đó với bên mua (khi quyền chọn được thực hiện). Để được hưởng quyền lựa chọn đó, bên mua quyền chọn phải trả một số tiền, gọi là phí mua quyền chọn. Về phần người bán quyền chọn, phí quyền chọn chính là khoản thu nhập mà họ được nhận khi giữ vị thế này.
Nhìn chung, việc nhà đầu tư giữ vị thế quyền chọn nào được căn cứ trên kỳ vọng hay dự báo của nhà đầu tư đó về sự biến động của giá tài sản cơ sở trong tương lai. Chẳng hạn, vị thế mua quyền chọn mua (ứng với quyền được mua tài sản cơ sở trong tương lai với giá đã xác định) được tạo lập khi nhà đầu tư cho rằng giá (tài sản cơ sở) sẽ tăng lên; trong khi vị thế mua quyền chọn bán (ứng với quyền được bán tài sản cơ sở trong tương lai với giá đã xác định) được nắm giữ khi nhà đầu tư cho rằng giá (tài sản cơ sở) sẽ giảm xuống.